Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden: Dấu mốc quan trọng
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 17:25, 09/09/2023
Tổng thống Hoa Kỳ Joseph Robinette Biden Jr. đón Thủ tướng Phạm Minh Chính trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ tại thủ đô Washington DC, ngày 12/5/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph R. Biden, Jr. thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến ngày 11/9.
Trước thềm chuyến thăm, bà Lê Thu Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Hoa Kỳ đã trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN).
- Bà có thể chia sẻ về ý nghĩa chuyến thăm lần này của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam?
Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng đối với quan hệ hai nước, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 10 năm Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên cả Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ cùng đến thăm Việt Nam trong một nhiệm kỳ.
Chuyến thăm sẽ là một dấu mốc quan trọng đối với cả Việt Nam và Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới vì hòa bình, hợp tác, phát triển toàn diện và bền vững.
Chuyến thăm cũng diễn ra trong bối cảnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương và khu vực Đông Nam Á tiếp tục là một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới. ASEAN tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, Hoa Kỳ và ASEAN đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 11/2022.
- Bà đánh giá như thế nào về mối quan hệ hai nước trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là quan hệ giao lưu hữu nghị giữa các nghị sỹ Việt Nam-Hoa Kỳ?
Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Hoa Kỳ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ thời gian qua phát triển sâu rộng, thực chất trên các lĩnh vực hợp tác ưu tiên bao gồm chính trị-ngoại giao, an ninh-quốc phòng, kinh tế-thương mại-đầu tư, giáo dục, khoa học-công nghệ, y tế, môi trường, khắc phục hậu quả chiến tranh, thúc đẩy quyền con người.
Trong số đó, hợp tác kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư là trụ cột. Hoa Kỳ khẳng định tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam, ủng hộ Việt Nam trở thành một quốc gia “mạnh, thịnh vượng và độc lập.”
Hợp tác kinh tế-thương mại phát triển nhanh chóng và là động lực của quan hệ song phương với kim ngạch thương mại hai nước năm 2022 đạt con số kỷ lục 123 tỷ USD. Việt Nam đã trở thành một trong 7 đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm.
Hợp tác an ninh-quốc phòng có những bước tiến cụ thể, trong đó khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ hai nước, góp phần quan trọng vào quá trình hòa giải, hàn gắn, xây dựng lòng tin và mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực trọng yếu khác.
Hợp tác giáo dục đạt được nhiều bước tiến tích cực với việc hai bên thúc đẩy hợp tác giáo dục-đào tạo, chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, hợp tác y tế, ứng phó với COVID-19 và phục hồi sau đại dịch tiếp tục là điểm sáng, đặc biệt hai bên hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế, tiếp cận vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch bệnh và bảo hộ công dân. Đến nay, Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam hơn 40 triệu liều vaccine và nhiều thiết bị kỹ thuật y tế.
Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ để Việt Nam đạt mục tiêu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26) và cập nhật Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) tại COP27.
Hai nước đang xúc tiến triển khai thành lập và tổ chức hoạt động của Nhóm Công tác về Khí hậu của Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ, thực hiện Tuyên bố Chính trị thiết lập Quan hệ Đối tác về Chuyển đổi Năng lượng công bằng (JETP).
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hai nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; đặc biệt là trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và trong các cơ chế của ASEAN.
Có thể nói rằng, Quốc hội Hoa Kỳ có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển và làm sâu sắc Quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ. Hợp tác giữa Quốc hội hai nước là thành tố quan trọng trong tổng thể quan hệ song phương hai nước.
Quốc hội Việt Nam đánh giá cao thế hệ các nghị sỹ lớp trước như cố Thượng nghị sỹ John McCain, nguyên Chủ tịch Thường trực Thượng viện Hoa Kỳ Patrick Leahy, nguyên Thượng nghị sỹ John Kerry, những người đặc biệt có thiện cảm với Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước, ủng hộ tích cực, quan tâm thúc đẩy quan hệ hai nước.
Chúng tôi hoan nghênh các nghị sỹ mới như Jeff Mekley, Peter Welch, Van Hollen, Dean Phillips… cam kết tiếp nối nỗ lực của các thế hệ nghị sỹ đi trước thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Có thể khẳng định với sự nỗ lực của cả hai bên, quan hệ hợp tác giữa Quốc hội hai nước thời gian qua có nhiều bước phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua việc tăng cường các chuyến thăm viếng lẫn nhau ở các cấp, nhất là cấp cao; các hoạt động trao đổi, tiếp xúc giữa các cơ quan chuyên môn của Quốc hội, các nghị sỹ, trợ lý nghị sỹ.
Riêng trong năm nay, Quốc hội Hoa Kỳ đã cử 5 Đoàn sang thăm Việt Nam, bao gồm: Đoàn Thượng nghị sỹ Jeff Merkley; Đoàn Thượng nghị sỹ Mike Crapo; Đoàn Chủ tịch Ủy ban Thuế vụ Jason Smith; Đoàn Chủ tịch Tiểu ban Hàng hải thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Trent Kelly; Đoàn Trợ lý Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ.
Về phía Quốc hội Việt Nam cũng đã cử các Đoàn Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường-Chủ tịch Nhóm nghị sỹ Hữu nghị Việt Nam-Hoa Kỳ Lê Quang Huy; Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại thăm Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội ta cũng đã tham gia Đoàn của các bộ, ngành thăm làm việc tại Hoa Kỳ.
Qua các cuộc trao đổi, tiếp xúc, có thể thấy rõ sự chia sẻ rất lớn về lợi ích tăng cường hợp tác giữa hai nước trên cả bình diện song phương, khu vực và toàn cầu.
Các nghị sỹ Hoa Kỳ đều khẳng định rằng, quan hệ với Việt Nam là một trong số ít các vấn đề đạt được sự đồng thuận của cả hai Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, cũng như sự đồng thuận của cả Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ.
- Theo bà, những kết quả đạt được sau chuyến thăm này sẽ góp phần tạo đà và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ như thế nào trong thời gian tới?
Phó Chủ nhiệm Lê Thu Hà: Chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ là dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước. Kết quả đạt được trong chuyến thăm sẽ góp phần đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, ngày càng sâu sắc, thực chất, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Chính vì vậy, tôi mong rằng hai bên sẽ tích cực phối hợp để thiết lập và triển khai các cơ chế hợp tác song phương và đa phương kinh tế-thương mại-đầu tư mới, hiệu quả hơn để duy trì, thúc đẩy phát triển thương mại, đầu tư nhanh và bền vững.
Đồng thời mong muốn phía Hoa Kỳ hỗ trợ, giúp đỡ Việt Nam hoàn thiện khung khổ thể chế, pháp luật và tài chính trong chuyển đổi năng lượng cân bằng, hài hòa được lợi ích/chi phí của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp trong lộ trình chuyển đổi năng lượng, trước mắt dành nguồn lực hỗ trợ hiệu quả, thực chất cho chương trình JETP và các sáng kiến/dự án hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ.
Phát triển mạnh mẽ Kinh tế Số, Chính phủ Số, Xã hội Số là những lĩnh vực Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, nhất là về hoàn thiện thể chế, pháp luật cho công cuộc chuyển đổi số an toàn và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Hy vọng thông qua các chiến lược và sáng kiến mới, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Hoa Kỳ và quan hệ Đối tác Mekong-Hoa Kỳ.
Về hợp tác giữa hai Quốc hội, tôi tin tưởng rằng, quan hệ giữa hai Quốc hội sẽ được tích cực thúc đẩy hơn nữa để tương xứng với quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước, mong muốn hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao; đồng thời hy vọng hai bên sẽ thiết lập cơ chế trao đổi, đối thoại thường xuyên giữa hai cơ quan lập pháp.
- Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!