Hội nghị thượng đỉnh G20: Brazil nhấn mạnh tình trạng khí hậu khẩn cấp
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 16:53, 09/09/2023
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/9/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Sáng 9/9, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã nhấn mạnh rằng Trái Đất đang phải đối mặt với tình trạng khí hậu khẩn cấp.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Tổng thống Lula da Silva cho rằng “việc thiếu cam kết với môi trường đã khiến chúng ta rơi vào tình trạng khẩn cấp về khí hậu chưa từng có. Hạn hán, lũ lụt, bão lũ và cháy rừng ngày càng xảy ra thường xuyên hơn.”
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 tham gia đề xuất định giá carbon toàn cầu, đồng thời kêu gọi đầu tư vào các công nghệ xanh nhằm giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu.
Trên mạng xã hội X, bà Leyen viết: “Biến đổi khí hậu là do con người tạo ra và chúng ta có thể giải quyết vấn đề này. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần đổi mới, đầu tư vào công nghệ xanh, tăng công suất năng lượng tái tạo và hiệu quả sử dụng năng lượng. Điều này đòi hỏi phải đầu tư nhiều hơn nữa. Tại G20, tôi đã mời các nhà lãnh đạo tham gia lời đề xuất định giá carbon toàn cầu.”
Nhiều quốc gia đang sử dụng giá carbon để giúp đáp ứng các mục tiêu về khí hậu của họ dưới hình thức thuế hoặc theo Hệ thống Giao dịch Phát thải (ETS), hoặc hệ thống mua bán phát thải. Bình luận trên được Chủ tịch EC đưa ra trong bối cảnh đang diễn ra Phiên 1 của Hội nghị thượng đỉnh G20 với chủ đề “Một Trái Đất” nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và môi trường.
Cũng tại Phiên 1, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã cam kết bổ sung 300 triệu USD cho Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) như một phần trong nỗ lực của đất nước nhằm đối phó với biến đổi khí hậu. Ông cũng kêu gọi G20 đóng góp tích cực cho quỹ này.
GCF là tổ chức quốc tế đóng trụ sở tại thành phố cảng Incheon của Hàn Quốc, có nhiệm vụ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Năm 2023 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử loài người, nhưng dư luận rất ít hy vọng về khả năng G20 có thể nhất trí hành động đầy tham vọng để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Tháng 7 vừa qua, các bộ trưởng năng lượng G20 thậm chí còn không đề cập đến hạn chế tiêu thụ than đá, đồng thời không có nội dung nào nhắc đến việc thống nhất lộ trình giảm dần sử dụng than và không có tiến triển nào về mục tiêu năng lượng tái tạo.
Các nước G20 chiếm 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và có lượng phát thải tương tự, là nguyên nhân khiến Trái Đất ấm lên. Do vậy, hành động tại diễn đàn này có ý nghĩa quan trọng để đạt được những tiến bộ thực sự./.