Ứng dụng chuyển đổi số, nông nghiệp Đắk Lắk phát huy hiệu quả
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 10:07, 08/09/2023
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Đắk Lắk quan tâm. Qua đó, dần thay đổi phương thức sản xuất, giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Cách đây vài năm, không ai nghĩ ở vùng đất bạc màu của xã Ea Riêng, huyện M’Đrắk có thể trở thành một vùng sản xuất chuối công nghệ cao và xuất khẩu. Thế nhưng năm 2020, khi công ty Banana Brothers Farm triển khai trồng gần 150 ha giống chuối già Nam Mỹ bằng phương pháp cấy mô công nghệ cao, cho ra sản phẩm đạt chất lượng cao thì điều đó đã trở thành hiện thực. Năm 2022, Công ty đã xuất khẩu chính ngạch sang các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản với sản lượng trên 6.500 tấn.
Để sản phẩm chuối già Nam Mỹ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng Giám đốc Công Banana Brothers Farm cho biết, ngay từ khâu chọn giống đến trồng, chăm sóc, thu hoạch công ty đều tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, sản xuất tuần hoàn. Công ty đã đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại từ công đoạn chăm sóc đến chế biến.
“Ngay từ ban đầu DN đã xây dựng mô hình trồng chuối công nghệ cao, đưa được sản phẩm chất lượng cao nhất tới tay người tiêu dùng. Hiện nay sản phẩm của công ty được thị trường Trung Quốc và các công ty khác đánh giá cao”, bà Hạnh cho biết.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp Đắk Lắk cũng đã đẩy mạnh thực hiện các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ tự động hóa và công nghệ sinh học được áp dụng rộng ở trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Những công nghệ này đã giúp trang trại, hộ chăn nuôi giảm bớt sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Bà Nguyễn Thị Lan là hộ chăn nuôi gà quy mô lớn, sử dụng công nghệ khử trùng khép kín ở xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, các thiết bị để úm gà, cho gà ăn phải được khử trùng, nhất là phần trong trại. “Cho đến khi gà vào chuồng người nuôi phải xử lý phần ngoài. Cứ 1 tuần xịt khử trùng giàn mát 3 lần, còn hệ thống bên ngoài phải xịt hàng ngày cho khô ráo”, bà Lan cho biết.
Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ số vào nông nghiệp là xu thế tất yếu. Đối với Đắk Lắk điều này còn quan trọng hơn khi nông nghiệp chiếm tới 35% GDP của tỉnh, chiếm tới 90% kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm thu nhập cho 65% dân cư địa phương.
Những năm gần đây, ngành NN&PTNT Đắk Lắk đã đưa ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi… Các đơn vị đã có phần mềm xây dựng được cơ sở dữ liệu, ứng dụng điều hành tổ chức sản xuất. “Sở hướng dẫn người nông dân ghi nhật ký sản xuất trên điện thoại thông minh, từ đó liên kết với các cơ sở cập nhật thông tin. Khi người thu mua tiêu thụ sản phẩm có kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ yên tâm hơn nên tiêu thụ nhanh, mua với giá cao hơn”, ông Vũ Đức Côn nói.
Để phát triển nông nghiệp bền vững, thời gian tới cùng với đẩy mạnh nông nghiệp 4.0, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với việc kiến tạo nền nông nghiệp hiện đại. Chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thân thiện, đổi mới công tác quảng bá, chú trọng kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị và thu nhập cho nông dân.