ASEAN đạt được nhiều thành tựu kinh tế nổi bật trong năm 2023
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:55, 08/09/2023
Theo ông Nguyễn Anh Đức, Trưởng đại diện Kinh tế Thường trực Việt Nam tại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong năm Chủ tịch 2023 của Indonesia với chủ đề “ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm tăng trưởng,” tổ chức khu vực này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên trụ cột kinh tế.
Indonesia đưa ra 16 Sáng kiến Ưu tiên Kinh tế (PED), tập trung vào 3 định hướng chính, gồm Hồi phục và Tái thiết; Kinh tế số và Phát triển bền vững.
Cho đến Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 5-7/9, 11/16 áng kiến ưu tiên kinh tế đã cơ bản được hoàn thành, trong đó có Khung Thuận lợi hóa Dịch vụ ASEAN (ASFF), Tuyên bố Cấp cao về Tăng cường An ninh Lương thực, Thành lập Bộ phận Hỗ trợ Thực thi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nằm trong Ban Thư ký ASEAN, Khuôn khổ trao đổi các sáng kiến về dự án công nghiệp trong ASEAN, khởi động đàm phán Hiệp định khung ASEAN về Kinh tế Số (DEFA), Khung Kinh tế Biển Xanh ASEAN (Blue Economy), Tuyên bố chung về An ninh Năng lượng Bền vững.
Các sáng kiến còn lại vẫn đang được triển khai theo kế hoạch đề ra với mục tiêu hoàn thành trong năm 2023.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta sau chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, ông Nguyễn Anh Đức cho rằng thành tựu đáng lưu ý nhất về kinh tế nằm ở chính chủ đề “Tâm điểm tăng trưởng” - nội dung được các nhà lãnh đạo ASEAN tập trung thảo luận và thống nhất trong suốt 3 ngày hội nghị.
Cụ thể, Tuyên bố Tâm điểm Tăng trưởng ASEAN được lãnh đạo các nước ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 này đặt ra các định hướng chiến lược phát triển kinh tế cho ASEAN trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Trước mắt, ASEAN sẽ thúc đẩy phục hồi để sẵn sàng ứng phó với các cú sốc trong tương lai như về năng lượng, tài chính, chuỗi cung ứng…
Tiếp đó, ASEAN sẽ tận dụng các động lực tăng trưởng mới, như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế biển xanh…, hướng tới phát triển bền vững.
Chia sẻ về hợp tác kinh tế xanh, nội dung quan trọng trong Tuyên bố Tâm điểm Tăng trưởng ASEAN, ông Nguyễn Anh Đức cho biết lĩnh vực này đã được Chủ tịch Indonesia rất chú trọng và ưu tiên thúc đẩy với mục tiêu xuyên suốt là cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Trưởng đại diện kinh tế thường trực Việt Nam tại ASEAN cho biết tính đến nay, kết quả nổi bật của mục tiêu này là việc thông qua 3 Sáng kiến Ưu tiên Kinh tế thuộc định hướng Thúc đẩy Tăng trưởng Kinh tế Bền vững cho một tương lai thích ứng.
Cả 3 Sáng kiến Ưu tiên Kinh tế này đều được hoàn thành tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43.
Sáng kiến Ưu tiên Kinh tế thứ nhất là xây dựng Chiến lược ASEAN về Trung hòa Carbon, trong đó tập trung phân tích các vấn đề như nguồn phát thải chính hay các giải pháp khử carbon khả thi và đưa ra nhiều chiến lược để đẩy nhanh quá trình này.
Sáng kiến Ưu tiên Kinh tế thứ hai là Tuyên bố Cấp cao ASEAN+3 (ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) về phát triển hệ sinh thái xe điện (EV) khu vực.
Trên thực tế, Tuyên bố về Phát triển Hệ sinh thái EV đã sớm được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 42 hồi tháng 5/2023 và lần này được mở rộng sang 3 nước đối tác này.
Tại chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, phát huy vai trò trung tâm của mình, ASEAN đã cùng Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua Tuyên bố cấp cao về Phát triển Hệ sinh thái EV khu vực.
Tuyên bố thể hiện cam kết giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và 3 nước đối tác trong việc phát triển hệ sinh thái và ngành công nghiệp EV nhằm giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu và cải thiện an ninh năng lượng tại từng quốc gia thành viên.
Sáng kiến Ưu tiên Kinh tế thứ ba được ASEAN hoàn thành là dựng Khung kinh tế Biển Xanh.
Ông Nguyễn Anh Đức khẳng định rằng việc chuyển đổi sang nền kinh tế biển xanh một mặt tạo cơ hội để khuyến khích các nước thành viên tăng trưởng GDP, mặt khác cũng hỗ trợ để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) trong ASEAN, bao gồm cả nguồn nước sạch./.