Kinh tế

Lan tỏa nông sản sạch Đắk Nông

Hồng Thoan 08/09/2023 05:20

Sản xuất nông sản an toàn, có chứng nhận ngày càng được nhiều nông dân Đắk Nông áp dụng. Xu thế này ngày càng lan tỏa, giúp tỉnh có nhiều sản phẩm chất lượng cao.

Kiên trì để có sản phẩm sạch

Gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, tổ 3, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa), có 2 sào rau sản xuất theo quy trình an toàn. Theo chị Huệ, gia đình đã trồng rau khoảng 10 năm nay. Những năm đầu chị chủ yếu trồng theo kinh nghiệm, nên sản lượng, chất lượng có lúc đạt chưa cao.

dsc_1007(1).jpg
Chị Nguyễn Thị Huệ, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) trồng rau sạch từ nhiều năm nay

Hiện nay, chị đã có thể bảo đảm chất lượng rau sạch, an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Bởi chị tuân thủ theo quy trình sản xuất khoa học, đạt chứng nhận nông nghiệp tốt VietGAP.

Chị Huệ nhấn mạnh, để có rau an toàn, khâu chuẩn bị trước khi xuống giống rất quan trọng. Bởi nhiều người quan niệm rằng, trồng cây là bón phân cho cây.

Nhưng thực tế, trồng cây là bón phân cho đất. Điều này càng có ý nghĩa đối với rau, củ. Bởi cây nhanh ăn phân bón. Nếu không đúng kỹ thuật thì dễ dẫn đến việc tồn dư hóa chất trong cây.

Chính vì thế, muốn rau sạch thì trước tiên đất phải sạch, xử lý đất bằng phân tích chất bảo đảm các yếu tố, không có các nguy cơ gây hại đến sức khỏe người dùng.

Gia đình chú trọng mua giống ở những địa chỉ cung ứng uy tín để cây giống sạch bệnh, chất lượng cao. Khi chăm sóc rau thì chú ý bón phân cân đối, dùng nhiều phân bón hữu cơ.

“Trồng rau sạch như người chăm con mọn. Tuy việc không nặng nhưng phải luôn chân, luôn tay chăm sóc, phát hiện, xử lý sâu bệnh rồi thu hái đúng độ tuổi mới có được rau ngon đến tay khách hàng”, chị Huệ cho biết thêm.

Không chỉ gia đình chị Huệ, ở TP. Gia Nghĩa, sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ, đạt các chứng nhận đang có sức lan tỏa khá mạnh mẽ.

dsc_0096-1-.jpg
20 cơ sở sản xuất ở Gia Nghĩa đạt chứng nhận VietGAP, oganic

TP. Gia Nghĩa có 20 hộ, cơ sở sản xuất hàng chục ha hồ tiêu, cây ăn trái, cà phê, rau được chứng nhận Organic, VietGAP; trên 120 ha cà phê được chứng nhận UTZ…

Được thành lập từ năm 2019, Câu lạc bộ sầu riêng Thiên Phú (CLB), xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) chỉ có vài thành viên. Đến nay, CLB đã thu hút được 32 thành viên đến từ các huyện Đắk R’lấp, Đắk Glong và TP. Gia Nghĩa. Diện tích sản xuất của CLB trên 90 ha.

z4667663777227_7a8847b88cdb8e7d55e6306e78e2c992(1).jpg
Sản phẩm của CLB sầu riêng Thiên Phú luôn được đánh giá bảo đảm an toàn

Ông Hoàng Văn Phú, Phó Chủ nhiệm CLB thông tin: Các thành viên CLB cùng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, thu hoạch sầu riêng. Ban chủ nhiệm CLB đang thúc đẩy phối hợp với các cấp, ngành nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với mã vùng trồng lớn. Bởi hiện nay, mới chỉ gần 20 ha được cấp mã .

Cùng với đó, các thành viên CLB chủ động áp dụng các quy trình chăm sóc, bón phân cân đối để bảo đảm chất lượng sản phẩm cao . Ông Phú khẳng định: “Chất lượng sản phẩm sầu riêng của CLB đạt cao từ nhiều yếu tố kết hợp lại. Cụ thể như bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch đúng độ tuổi để đạt cơm vàng, bột ngọt, hình thức bên ngoài đẹp”.

Đánh giá của ngành chức năng, sản xuất nông sản sạch, an toàn ngày càng được nhà nông, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đắk Nông chú trọng. Chính vì thế, diện tích sản xuất đạt chứng nhận ngày càng tăng lên.

Tính đến nay, tổng diện tích sản xuất đạt chứng nhận tiêu chuẩn của tỉnh đạt hơn 28.600 ha, tăng trên 2.500 ha so với năm 2021. Trong đó, đạt chứng nhận VietGAP 2.500 ha, hữu cơ 694 ha, GlobalGAP 10 ha và tiêu chuẩn khác như 4C, UTZ, Flo 25.000 ha...

img_20230908_060335.jpg
Biểu đồ: Hồng Thoan

Sản xuất sạch giúp các nhà sản xuất, cung ứng được nhiều sản phẩm chất lượng, gắn với các chuỗi nông sản chủ lực, tiềm năng thế mạnh ở địa phương. Sản xuất nông sản sạch đã góp phần lớn vào việc bảo vệ môi trường xung quanh, điều hòa không khí, bảo vệ đất đai, nguồn nước, bảo vệ rừng.

Điều này đã và đang tạo thuận lợi hơn trong việc kêu gọi các nhà đầu tư vào thu mua, tiêu thụ, đầu tư chế biến sâu, nâng cao thu nhập cho nhà nông.

Điển hình như các chuỗi liên kết về cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái. Nhiều sản phẩm sản xuất sạch, chất lượng cao đã từng bước khẳng định thương hiệu của Đắk Nông với thị trường trong và ngoài nước.

Đắk Nông hiện có 60 sản phẩm của 53 doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất được chứng nhận đạt OCOP. Trong đó, có 7 sản phẩm đạt 4 sao, 53 sản phẩm đạt 3 sao theo Bộ tiêu chí OCOP Quốc gia.

Còn nhiều mục tiêu

Bên cạnh những kết quả đạt được, sản xuất theo các tiêu chuẩn của tỉnh vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng diện tích sản xuất, tương đương gần 10%.

Điều này cho thấy, sản xuất theo các tiêu chuẩn vẫn còn chậm, khó nhân rộng thành các “cánh đồng lớn”. Việc liên kết sản xuất còn chưa đồng bộ, lỏng lẻo. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm dù đạt các tiêu chuẩn, nhưng vẫn khó tiếp cận các kênh tiêu thụ hiện đại, chịu nhiều tác động của thị trường.

0837226(1).jpg
Diện tích đất chứng nhận sản xuất tốt ở Đắk Nông vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ

Để sản xuất nông nghiệp tăng trưởng và phát triển bền vững, Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 693/KH-UBND, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến năm 2025.

Tỉnh đặt ra mục tiêu chiến lược là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững; nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh nông sản gắn với chuỗi giá trị.

Qua đó, tỉnh kỳ vọng nông nghiệp sẽ thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Theo đó, tỉnh Đắk Nông tập trung cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; chuyển đổi nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiệu quả, chất lượng.

Các cấp, ngành, đoàn thể Đắk Nông đang đẩy mạnh triển khai đề án về nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt tiêu chuẩn, có chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới.

Giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh phấn đấu diện tích nhóm đất nông nghiệp sản xuất hữu cơ đạt khoảng 1,5% tổng diện tích nhóm đất nông nghiệp. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 3.310 ha với khoảng 0,5 - 1% tổng diện tích đất trồng trọt.

Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 5,6%/năm; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp đạt trên 95 triệu đồng.

Toàn tỉnh công nhận mới thêm khoảng 30 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt trên 80 sản phẩm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn bình quân đạt từ 50 triệu đồng/người/năm…

Hồng Thoan