Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp bàn giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng

Chính sách - Ngày đăng : 10:02, 07/09/2023

Ngày 7/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp bàn giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Chính phủ luôn trăn trở, cầu thị, lắng nghe để kịp thời có các giải pháp hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Ảnh VGP

Chính phủ luôn trăn trở, cầu thị, lắng nghe để kịp thời có các giải pháp hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế

Tham dự cuộc họp có Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, các đồng chí Phó Thống đốc; đại diện lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan trung ương, ngân hàng thương mại, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, cuộc họp hôm nay nhằm mục đích tìm ra các giải pháp đển nang cao hiệu khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, trong công tác chỉ đạo điều hành kinh tế nói chung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn rất quan tâm, trăn trở, cầu thị, lắng nghe ý kiến từ các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, qua đó có nhiều giải pháp chỉ đạo sâu sát, kịp thời nhằm bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn,… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, phá triển kinh tế.

Đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo liên quan đến tín dụng, lãi suất,… Qua đó, trong bối cảnh bên ngoài rất khó khăn nhưng tình hình phát triển kinh tế đất nước thời gian qua đã tốt dần lên, tuy nhiên vẫn chưa được như mong muốn, kỳ vọng.

Chính vì vậy cần phải tiếp tục phân tích thấu đáo tình hình để tiếp tục tìm ra các giải pháp tổng thể, phù hợp, hiệu quả hơn nữa để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, người dân và nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các đại biểu phát biểu thẳng thắn, rõ ràng, đi thẳng vào nội dung, có căn cứ dẫn chứng cụ thể, đề xuất các giải pháp thiết thực, kịp thời, hiệu quả (nhất là các giải pháp liên quan đến lãi suất; thủ tục, điều kiện tiếp cận tín dụng; triển khai thực hiện các gói hỗ trợ đặc thù; các giải pháp mang tính hỗ trợ của các bộ ngành, địa phương,…) qua đó góp phần thực hiện tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền"

Trình bày báo cáo tại cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho rằng: Chưa bao giờ công tác điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như bây giờ. Ông ví von, hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải "chữa bệnh thừa tiền". Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, thì các ngân hàng thương mại cũng đang tồn kho tiền.

Dù Ngân hàng Nhà nước cùng với toàn hệ thống tín dụng liên tục tổ chức các hội nghị nhằm đẩy kết nối ngân hàng với doanh nghiệp trên toàn quốc, để lắng nghe ý kiến, rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, các mặt hàng nông sản chủ lực (lúa gạo, thủy sản, cà phê); ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất; giảm lãi suất cho vay, đẩy mạnh công tác truyền thông… nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế vẫn khó khăn, bởi doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, "không muốn vay". Đây là vấn đề rất khó!

Báo cáo cụ thể của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

Trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Thực tế doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, trước bối cảnh các kênh huy động vốn khác hưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn dâng tồn tại một số vấn đề đã khiến nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tuy có dấu hiệu tăng chậm lại trong năm 2022 nhưng vẫn trong xu hướng tăng, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tín dụng.

Trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng (toàn hệ thống còn khoảng 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng), lãi suất cho vay có xu hướng giảm, từ đó tổ chức tín dụng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế. Do đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao không phải xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì họp bàn giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng - Ảnh 2.

Bốn nhóm giải pháp để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế

Theo Ngân hàng Nhà nước, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: Do tác động của đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ vốn của nhóm bất động sản;… Bên cạnh đó, việc triển khai một số chương trình tín dụng (gói 120.000 tỷ đồng; chương trình hỗ trợ lãi suất) cũng gặp khó khăn, vướng mắc.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, việc triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết để tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn, mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Theo đó, để nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đề xuất 4 nhóm giải pháp gồm: thứ nhất, nhóm giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; thứ hai, nhóm giải pháp phát triển các loại thị trường (trái phiếu doanh nghiệp, bát động sản); thứ ba, nhóm giải pháp nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp; thứ tư, nhóm giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất.

Trần Mạnh