Chính trị

Không để xảy ra lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách

Hoàng Hoài 06/09/2023 18:12

Chiều 6/9, Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV tiếp tục nghe các cơ quan, đơn vị báo cáo tham luận, thảo luận, trao đổi và tiến hành bế mạc.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Đắk Nông, đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh dự, chủ trì.

Hội nghị đã nghe các tham luận của các cơ quan về việc triển khai đối với 21 luật, nghị quyết của Quốc hội. Đây là những văn bản quan trọng, có tác động lớn, được dư luận xã hội quan tâm, có những vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh cần tháo gỡ.

dsc04760(1).jpg
Hội nghị đã nghe các tham luận của các cơ quan về việc triển khai đối với 21 luật, nghị quyết của Quốc hội.

Hầu hết các tham luận, thảo luận, trao đổi đều cơ bản thống nhất với các nội dung báo cáo do lãnh đạo Chính phủ và Quốc hội trình bày trong buổi sáng. Các ý kiến cho rằng, hội nghị thể hiện sự chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, trong nửa đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị đã không ngừng nỗ lực, tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết liệt, có nhiều cải tiến, đổi mới thiết thực, thích ứng linh hoạt với tình hình để hoàn thành khối lượng lớn công việc về xây dựng và triển khai thi hành pháp luật. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

dsc04778(1).jpg
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Nông.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng đề ra trong Văn kiện Đại hội 13; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Các cơ quan Quốc hội tăng cường kiểm tra, giám sát nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Chính phủ, các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương bảo đảm gắn kết chặt chẽ từ xây dựng đến tổ chức thực hiện pháp luật.

Chính phủ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm của tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; tập trung chỉ đạo quyết liệt bảo đảm nguồn lực đối với những công việc cần thiết trong thực thi pháp luật; rà soát ban hành theo thẩm quyền hoặc chỉ đạo cấp bộ, cơ quan ngang bộ theo lĩnh vực phụ trách, kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành pháp luật và nghị quyết Quốc hội thông qua. Từ đó, tiến tới hướng dẫn, có giải pháp xử lý hiệu quả các vấn đề đang vướng mắc, bất cập, bảo đảm yêu cầu của thực tiễn, đúng quy định của luật, nghị quyết.

Công tác giáo dục pháp luật cần được tăng cường đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng đối tượng, nội dung, địa bàn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết. Chính phủ có kế hoạch cụ thể sắp xếp theo thứ tự ưu tiên hợp lý, đầu tư nguồn lực để xây dựng, ban hành đầy đủ, chất lượng các văn bản luật. Việc rà soát hệ thống văn bản, kịp thời phát hiện các quy định thi hành pháp luật có nhiều vướng mắc, cản trở, chồng chéo, bất cập để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản mới....

Quốc hội, Chính phủ chú trọng thể chế hóa, triển khai hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm trong theo dõi đôn đốc, giám sát Chính phủ và các cơ quan tổ chức triển khai pháp luật, nghị quyết của Quốc hội.

Các đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH tiếp tục đẩy mạnh giám sát công tác thi hành pháp luật, triển khai kết luận nghị quyết của Quốc hội tại địa phương; quan tâm, giám sát việc ban hành tổ chức thực hiện văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội...

HĐND, UBND các cấp, nhất là các địa phương thực hiện thí điểm cơ chế đặc thù theo các nghị quyết của Quốc hội tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm và sáng tạo linh hoạt trong tổ chức thực hiện pháp luật tại địa phương...

Hoàng Hoài