Chính trị

Hội nghị lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV

Hoàng Hoài 06/09/2023 11:52

Ngày 6/9, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội phối hợp tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.

Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị.

Tại điểm cầu Đắk Nông, đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh dự, chủ trì.

Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình, kết quả triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay là hoạt động chưa có tiền lệ nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng với tổ chức thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.

dsc04760(1).jpg
Hội nghị toàn quốc đánh giá tình hình, kết quả triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay là hoạt động chưa có tiền lệ nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Tại hội nghị, UBTV Quốc hội tập trung đánh giá tình hình triển khai thi hành đối với 23 luật và 28 nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

dsc04774(1).jpg
Đồng chí Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham dự chủ trì tại điểm cầu Đắk Nông.

Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ đó, góp phần quan trọng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tăng cường bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phục vụ có hiệu quả yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

dsc04776(1).jpg
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Nông.

Quốc hội, UBTV Quốc hội, Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống. Các cơ quan đã tiến hành rà soát 1.651 văn bản quy phạm pháp luật, qua đó phát hiện một số quy định trong 7 luật và 130 văn bản dưới luật có sơ hở, bất cập hoặc có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp.

dsc04784(1).jpg
Tranh thủ thời gian nghỉ giải lao, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh yêu cầu các đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Nông cần nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, nắm bắt các vấn đề được Quốc hội đề ra tại Hội nghị.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo công tác tổ chức thi hành pháp luật; đề ra nhiều giải pháp đổi mới, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường năng lực tổ chức thực thi pháp luật của các ngành, các cấp. Đến ngày 23/8/2023, đối với 20 luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4 đã có hiệu lực pháp luật và có nội dung giao quy định chi tiết, Chính phủ, các bộ đã ban hành 39/50 văn bản quy định chi tiết, đạt tỷ lệ 78%.

Từ đầu nhiệm kỳ đến ngày 15/6/2023, Bộ Tư pháp đã tiến hành kiểm tra đối với 10.504 văn bản, phát hiện và chỉ đạo, tham mưu xử lý đối với 446 văn bản có nội dung trái pháp luật hoặc bất cập, không còn phù hợp. Chính phủ đã phê duyệt kết quả pháp điển đối với 266/271 đề mục, đăng tải công khai Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác, áp dụng pháp luật.

dsc04786(1).jpg
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ngô Thanh Danh yêu cầu các đại biểu cần ghi chép lại toàn bộ nội dung, nhất là những vấn đề trọng tâm, quan trọng.

Tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 9 luật, cho ý kiến đối với 8 dự án luật khác. Trong năm 2024, Quốc hội xem xét, thông qua 18 luật, 1 nghị quyết, cho ý kiến về 2 dự án luật khác. UBTV Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của các cơ quan tham gia trong quy trình lập pháp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Trong trường hợp cần thiết, UBTV Quốc hội sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét kéo dài thời gian kỳ họp thường kỳ, chia kỳ họp thành các đợt hoặc tổ chức kỳ họp chuyên đề về công tác lập pháp để có thể xem xét cho ý kiến, thông qua được nhiều dự án luật.

Theo kế hoạch, chiều nay, Quốc hội sẽ tiếp tục nghe các cơ quan, đơn vị báo cáo tham luận, thảo luận, trao đổi; phát biểu của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chính phủ và tiến hành bế mạc.

Hoàng Hoài