Kinh tế

Vựa lúa Krông Nô và bài toán chống thoái hoá giống

Kim Ngân 07/09/2023 05:06

Nhiều giống lúa ở Krông Nô dần thoái hóa qua từng năm. Huyện phải đưa các giống mới vào thay thế, bảo đảm sản xuất lúa hiệu quả, chất lượng.

img_5898-1-.jpg
Người dân xã Buôn Choáh phòng trừ sâu bệnh trên ruộng lúa

Những năm qua, huyện Krông Nô thường xuyên thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng thoái hoá giống lúa. Hàng năm, huyện triển khai nhiều mô hình khảo nghiệm với các giống lúa thuần, lúa lai có ưu thế để dự phòng.

Từ các mô hình khảo nghiệm, huyện đã đưa vào sản xuất đại trà hàng chục giống lúa cho năng suất, chất lượng cao. Trong đó, có các giống như: lúa lai Nhị ưu 838; TH 3-3; VT 404; Tej vàng; Thơm RVT; PC6; ST24; ST25… Các loại giống này giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.

Đơn cử, năm 2018, sau nhiều năm canh tác, giống lúa Thơm RVT có dấu hiệu thoái hoá, năng suất giảm rõ rệt, dễ nhiễm rầy nâu, bệnh đạo ôn với mật độ cao và phẩm chất gạo không ngon.

Thời điểm đó, lúa Thơm RVT chiếm trên 70% diện tích lúa của huyện. Giống lúa này còn được nông dân trên địa bàn huyện triển khai sản xuất theo hướng VietGAP, xây dựng thương hiệu “Lúa gạo Krông Nô” và đã được cấp nhãn hàng hóa.

Do đó, nếu giống lúa Thơm RVT sản xuất kém hiệu quả, mức độ nhiễm bệnh cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất cũng như mục tiêu nâng cao giá trị lúa gạo của địa phương. Do đó, huyện Krông Nô đã tìm cách thay thế giống lúa mới như ST24, ST25...

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN – PTNT huyện Krông Nô, trong điều kiện sản xuất như hiện nay rất dễ khiến cho các giống cây trồng bị thoái hóa chứ không riêng gì lúa.

Do đó, cần phải sớm phát hiện các dấu hiệu thoái hóa giống để có cách khắc phục, thay thế bằng bộ giống mới hiệu quả tốt hơn.

dsc_1376(1).jpg
Ruộng lúa của anh Đoàn Đức Tuấn ở thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choáh (Krông Nô) bị bệnh lem lép hạt

Ông Lộc cho biết: “Sau nhiều đắn đo, huyện đã chọn giải pháp sử dụng giống lúa mới thay cho giống đang sản xuất bị thoái hoá. Từ lúa ST24, rồi đến ST25 lần lượt xuất hiện trên các cánh đồng của huyện Krông Nô”.

Đến nay, giống lúa ST25 đang chiếm vị thế độc tôn tại các huyện Krông Nô. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giống lúa này cũng có dấu hiệu nhiễm bệnh và chống chịu thời tiết kém. Trong vụ đông xuân năm 2023, trên cánh đồng Buôn Choáh, rất nhiều diện tích lúa ST25 bị bệnh lem lép hạt.

Theo bà Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Quản lý sản xuất VietGAP, HTX Nông nghiệp Buôn Choáh (Krông Nô), vẫn còn nhiều hộ dùng giống lúa cũ để gieo cấy. Trong khi dịch bệnh, lẫn tạp giống, phương tiện thu hoạch chưa bảo đảm… sẽ khiến cho lúa bị thoái hoá qua từng năm. Vì vậy, HTX phải tính đến phương án chống thoái hóa giống lúa.

Vụ hè thu năm nay, Phòng NN – PTNT huyện Krông Nô đã triển khai mô hình khảo nghiệm giống lúa mới TBR39, với diện tích trên 10 ha tại Buôn Choáh.

Kết quả thu được từ mô hình cho thấy, lúa TBR39 trồng đạt từ 300 – 340 hạt/bông. Trong khi lúa ST24 đạt khoảng 175 hạt, ST25 khoảng 250 hạt/bông. Điều này cho thấy, lúa TBR39 có năng suất cao hơn lúa ST24, ST25. Huyện kỳ vọng giống lúa này sẽ thích nghi tốt để dần thay thế các giống cũ.

dsc_0791-1-.jpg
Khâu vệ sinh mặt ruộng không bảo bảo sẽ khiến nguy cơ dẫn đến thoái hoá giống lúa tại Krông Nô

Cũng theo ông Lộc, để hạn chế tình trạng thoái hoá giống lúa, người dân là đầu mối quan trọng. Người dân nếu tuân thủ tốt các quy trình kỹ thuật sẽ duy trì lâu dài các giống lúa chất lượng cao.

Do đó, bà con cần chú trọng khâu chọn giống. Giống phải có độ thuần cao, có nguồn gốc xuất xứ, ngày kiểm nghiệm và thời hạn sử dụng rõ ràng. Giống lúa phải đáp ứng theo tiêu chuẩn của Bộ NN-PTNT.

Ngoài ra, trong sản xuất, bà con cần tuân thủ nghiêm ngặt các khâu về vệ sinh đồng ruộng trước khi gieo sạ. Bà con cần làm sạch lúa ở nền đất cũ, bón phân cân đối theo phương pháp "4 đúng"...

Kim Ngân