Văn nghệ

Đường tới ngày mai

Việt Thu 05/09/2023 17:49

Ngồi sau xe của con trai, nhìn ngắm phong cảnh hai bên đường, ông Ninh cứ tấm tắc mãi. Đẹp thật! Lạ thật! Giỏi thật! Chỉ mới có mấy năm thôi mà thành phố Gia Nghĩa thay đổi nhiều quá.

Sắp đến Tết Độc lập, Quốc khánh mùng 2 tháng 9, cờ hoa tung bay rực rỡ khắp các nẻo đường. Thằng Y Minh con ông không về đón ông, để ông tự đón xe lên thì chắc ông đi lạc chứ chẳng còn nhớ đường nào ra đường nào mà tìm. Thì cứ nhìn mấy cái siêu thị, khách sạn rồi cửa hàng ô tô, xe máy, cái nào cái nấy cao mấy tầng, cửa kính sáng choang, nhộn nhịp người ra người vào kia là biết. Chỗ đấy mấy năm trước còn là bãi đất trống, thoát cái nhà cao tầng đã mọc lên, cứ như có phép màu. Mà cũng chẳng cần nói đâu xa, cả cái hẻm vào nhà thằng Y Minh, mấy năm trước đường còn bé tí, mưa lầy lội, đi không cẩn thận là ngã như chơi. Thế mà năm nay đường bê tông rộng hai ô tô tránh nhau thoải mái, ven đường trồng hoa mười giờ đẹp cứ như cảnh trên ti vi hay chiếu.

truyen-ha.png

Y Minh bảo đây là đường Nhà nước và Nhân dân cùng làm, các hộ dân thống nhất mỗi nhà trong hẻm lùi lại một tí, hiến 2m đất để mở đường rộng rãi, khang trang. Ông Ninh gật gù, tốt quá, tốt quá. Phải thế chứ! Cứ bảo thành phố tấc đất tấc vàng nhưng mà mình hiến đất làm đường thì mình đi, con mình đi, cháu mình đi chứ có mất đi đâu mà thiệt.

Mấy năm rồi vợ chồng ông Ninh không lên chỗ Y Minh. Ông bận việc quá. Hai ông bà cứ lụi cụi với hơn 1 ha cà phê, tiêu, hết làm cỏ, tỉa cành, tưới tắm, bón phân lại quay ra thu hoạch, phơi phóng. Mà nào chỉ có cà phê, tiêu, ông bà còn trồng bắp, trồng đậu, mùa nào thức nấy, vừa có đồ sạch gửi cho con cháu, vừa kiếm thêm đồng ra, đồng vào để mua đồng quà, tấm bánh lúc các cháu về chơi. Anh em thằng Y Minh bận công tác. Ngày lễ, ngày tết lúc trực thì thôi, lúc không trực cũng tranh thủ đưa con về thăm ông bà. Quốc khánh năm nay được nghỉ mấy ngày, lại xin nghỉ phép thêm mấy ngày nữa, nó kiên quyết đón ông lên, đưa ông đi chơi. Nó muốn đón cả bà lên nhưng bà không yên tâm đàn gà, vịt ở nhà nên để ông lên trước, khi nào ông về trông nhà thì bà lại lên chơi với cháu. Lắm khi chúng nó giận dỗi bảo bố mẹ già rồi, nghỉ ngơi đi, cứ tham công tiếc việc làm gì. Rảnh rỗi thì lên ở với chúng nó, đi chơi chỗ nọ, chỗ kia cho biết chứ đến lúc già yếu, đau ốm, có muốn đi cũng chẳng được. Ông chỉ cười xòa, giải thích ông bà càng làm càng thấy khỏe, chứ cứ ngồi không buồn tay, buồn chân, có khi lại ốm thêm.

Với lại càng làm càng thấy ham. Ngày xưa giống cũ, lại chẳng biết kỹ thuật là gì, cứ làm theo kinh nghiệm nên năng suất chẳng được bao nhiêu, khéo tiết kiệm, căn cơ lắm cũng chỉ vừa đủ nuôi ba anh em Y Minh học hành. Nhưng bây giờ hội cựu chiến binh, hội nông dân rồi hội phụ nữ…tổ chức các lớp tập huấn, đưa kỹ sư về tận vườn hướng dẫn cách chăm bón, mỗi vụ thu hoạch nhìn sản lượng cứ như mình trẻ ra đến vài tuổi. Ông Ninh nửa đùa, nửa thật bảo các con:

- Mấy đứa đừng có coi thường vườn cà phê, vườn tiêu của hai ông bà già này nhé. Cứ được như này, độ vài năm nữa bố lại mua ô tô chở mẹ chạy lên thăm con, thăm cháu, chả cần ai phải đưa đón. Rồi cứ chờ mà xem.

Bà Ninh nghe ông nói, khẽ mắng:

- Cái ông này, già rồi mà tính vẫn cứ y như hồi thanh niên.

Ông Ninh nhấp ngụm chè xanh, thủng thẳng:

- Thế giờ bà lại chê tôi già à. Tôi còn thanh niên chán nhé. Bà xem tôi làm có thua thanh niên không nào?

Bà Ninh phát nhẹ vào lưng ông:

- Thôi tôi xin. Các con, các cháu nó cười cho đấy.

Ông nói vui cho các con đỡ lo bố mẹ vất vả chứ ông biết, các con cũng hiểu ông bà chưa chịu nghỉ ngơi vì lẽ gì. Ông bà muốn trả ơn cho mảnh đất Tây Nguyên hồn hậu đã trở thành quê hương thứ hai, mang đến cho ông bà mái ấm gia đình, những đứa con, đứa cháu ngoan ngoãn, giỏi giang này.

Sau giải phóng, ông bà cùng tham gia thanh niên xung phong lên xây dựng vùng đất Đắk Nông, quen nhau rồi thành vợ, thành chồng và quyết định ở lại vùng đất lúc ấy còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng ấm áp tình người để lập nghiệp. Thời gian đầu khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng hai vợ chồng trẻ, có sức khỏe động viên nhau cứ cố gắng, trời sẽ không phụ lòng người có ý chí, biết vươn lên. Khó khăn, cực khổ thế nào cũng vượt qua được, chỉ muộn phiền một nỗi hai vợ chồng cùng mong ngóng mãi mà cưới nhau mấy năm rồi vẫn chưa có một mụn con. Đã có lúc bà bảo ông đi lấy người khác để kiếm lấy đứa con nương tựa lúc tuổi già nhưng ông gạt đi. Vợ chồng sống với nhau vì cái tình, cái nghĩa, con cái là trời cho. Chắc kiếp trước ông có lỗi gì nên kiếp này trời phạt chứ sao có thể khẳng định được là do lỗi tại bà. Thôi thì vợ chồng cứ sống cho phải đạo, sống làm sao cho không thẹn với tinh thần thanh niên xung phong mà ông bà đã cống hiến.

Anh em Y Minh đến với với vợ chồng ông khi ông bà đã ngoài bốn mươi. Năm ấy mưa to, lũ lụt, bố mẹ Y Minh đi rừng, lúc vượt suối về nhà thì bị lũ cuốn. Sống trong cùng một bon, nhìn thấy ba đứa trẻ áo quần rách rưới ôm nhau khóc gọi bố mẹ, đứa lớn mới sáu tuổi, đứa bé lên hai, ông bà không đành lòng. Ông bàn với bà xin phép chính quyền, xin phép trưởng bon, xin phép bà con làm lễ nhận con nuôi, đón ba anh em Y Minh về chăm sóc. Ông bà coi ba đứa chẳng khác gì con đẻ. Trời thương, ba anh em Y Minh cũng cứ thế mà lớn, chẳng mấy khi đau ốm gì. Chúng lại ngoan ngoãn, chịu khó học hành và thương ông bà như cha mẹ ruột. Năm thằng Y Minh học xong lớp 12, nó sợ bố mẹ vất vả nên tính xin nghỉ học để đi lên thành phố làm công nhân. Ông gạt đi ngay. Ông bảo ông còn khỏe, con nuôi nó học được. Nó phải học giỏi để làm gương cho em, để ra trường có công ăn việc làm mà phụ ông nuôi hai đứa em. Y Ninh nghe lời bố, thi đậu trường cảnh sát. Ra trường, nó được phân về phường, trở thành một chiến sĩ công an được người dân yêu mến, tin tưởng. Công việc bận rộn nhưng chưa bao giờ thấy nó kêu ca gì. Nó bảo con chẳng học ở đâu xa, con cứ học bố mẹ để sống cho tốt, để không phải hổ thẹn với bà con trong bon của mình thôi.

Hai đứa em sau thằng Y Minh, đứa làm bác sĩ, đứa làm giáo viên. Con út làm giáo viên trường mầm non của xã nhà. Nó bảo nó là con gái, ở gần để chăm sóc bố mẹ. Thằng Y Mạnh làm bác sĩ ở bệnh viện tỉnh, năm nào nó cũng xin tổ chức đoàn y bác sĩ về khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con xã nhà. Dân làng bảo nhà ông bà có phúc, được ba đứa con giỏi giang, thành đạt. Đồng đội cũ lâu lâu có dịp lên chơi cũng cứ tấm tắc khen gia đình ông mãi. Mỗi lần như thế, bà lại trêu mũi ông tha hồ mà nở to.

Nghe tiếng ông nội từ cổng, hai đứa cháu ùa ra, ríu rít chào ông. Chúng tranh nhau khoe với ông đang tô màu, cắt dán cờ đỏ sao vàng để trang trí mừng ngày Tết Độc lập của đất nước. Chúng tranh nhau hỏi ông đường ở bon đã làm gần xong chưa. Con đường ấy ông bà bàn nhau ủng hộ số tiền tiết kiệm hai ông bà dành dụm, tích cóp từ tiền thu hoạch cà phê, tiền của mấy anh em Y Ninh gửi về ủng hộ thêm và tiền đóng góp của bà con trong bon cùng sự ủng hộ ngày công của thanh niên trong xã để làm cho các cháu học sinh đi học đỡ vất vả, bà con đi lại cũng thuận tiện hơn. Mấy đứa cháu nội của ông đã dặn trước hôm nào khánh thành ông phải điện lên báo để bố mẹ cho chúng cháu về xem bà con đánh cồng chiêng, múa hát mừng đường mới. Ông bảo tại mấy hôm nay mưa quá, chứ nếu không chắc cũng kịp khánh thành mừng Quốc khánh. Nhưng chậm nhất là đến Trung thu cũng xong, các cháu tha hồ mà đi rước đèn. Bên điện lực đã hứa sẽ lắp bóng điện thắp sáng đường vào buổi tối rồi, tha hồ mà đi chẳng sợ tối nữa nhé.

Chiều mát, Y Minh chở mấy ông cháu lên tượng đài N’Trang Lơng ngắm cảnh. Cả thành phố hiện lên trong tầm mắt. Vẫn những con dốc chập chùng, vẫn những góc phố nép mình dưới sắc hoa vàng nhưng thành phố đang thay da đổi thịt, khang trang hơn, sạch đẹp hơn. Y Minh chỉ cho bố thấy quảng trường đang xây dựng. Ông nghe tiếng đứa con trai lớn của mình bảo, sắp tới kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, con sẽ đón cả bố mẹ và cả nhà cô út ra chơi, xem văn nghệ. Lúc đấy, bố mẹ gửi nhà nhờ mấy cô chú hàng xóm trông cho rồi cùng ra đấy nhé, không được chia nhau trông nhà mà không đi đâu đấy.

truyen-.png

Ông chưa đáp lời con. Ông hít căng lồng ngực làn gió mang hương cao nguyên nồng nàn, tinh khiết. Trong đầu ông đang hiện lên hình ảnh quảng trường rộng lớn, ông ngồi trên ghế đá, ngắm nhìn những đứa cháu nô đùa, ngắm nhìn các ông, các bà đi dạo, tập thể dục, trò chuyện rôm rả. Rồi ông lại thấy hình ảnh con đường ở bon được khành thành, đoàn trẻ con trong bon rồng rắn dắt nhau đi rước đèn. Và ông cũng như thấy ở khắp các bon, bản xa xôi khác, những con đường tiếp tục được mở rộng, thênh thang trong nắng mới.

Bất giác, ông mỉm cười.

Việt Thu