Hội nghị Cấp cao ASEAN: Diễn đàn AIPF biến cạnh tranh thành hợp tác

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 15:56, 05/09/2023

Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh rằng AIPF được tổ chức để biến cạnh tranh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành hợp tác hữu ích và xây dựng thói quen hợp tác theo công thức đôi bên cùng có lợi.

Hoi nghi Cap cao ASEAN: Dien dan AIPF bien canh tranh thanh hop tac hinh anh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Trưởng đoàn chụp ảnh chung tại lễ khai mạc Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AIPF). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 5/9, Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AIPF) đã được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra từ ngày 5-7/9 tại Jakarta.

Phát biểu khai mạc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới suy yếu, ASEAN đã chứng tỏ được khả năng phục hồi và tiếp tục phát triển vượt xa tốc độ tăng trưởng toàn cầu và các khu vực khác. Với dân số 680 triệu người, ASEAN cũng là thị trường tiềm năng với nhiều cơ hội đầu tư đầy hứa hẹn.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ Indonesia, ASEAN không tránh khỏi các thách thức toàn cầu và sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt, đặc biệt là nguy cơ xung đột tiềm tàng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh rằng AIPF được tổ chức để biến cạnh tranh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành hợp tác hữu ích và xây dựng thói quen hợp tác theo công thức đôi bên cùng có lợi và không loại trừ bất kỳ ai.

AIPF có 3 chương trình nghị sự chính, trong đó trước hết là cơ sở hạ tầng xanh và chuỗi cung ứng linh hoạt. Theo ông Joko Widodo, ASEAN sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ ngành công nghiệp chế biến hạ nguồn và phát triển hệ sinh thái xe điện là một ví dụ cụ thể về việc xây dựng chuỗi cung ứng khu vực. 

Ông Joko Widodo cho biết chương trình nghị sự thứ hai của AIPF là nguồn tài chính bền vững và sáng tạo. Ước tính ASEAN cần 29.400 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng và cần có các kế hoạch tài chính sáng tạo, thông qua các quan hệ đối tác có lợi và bền vững.

Về chuyển đổi kỹ thuật số và nền kinh tế sáng tạo - trọng tâm cuối của AIPF, ông Joko Widodo cho hay nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN dự kiến đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030 và việc áp dụng đổi mới kỹ thuật số cần được tăng cường để hỗ trợ nền kinh tế sáng tạo cũng như các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).

Cuối cùng, Tổng thống Joko Widodo cho rằng việc ASEAN và các đối tác đã dành tổng cộng 56 tỷ USD cho 93 dự án hợp tác và 73 dự án tiềm năng thể hiện cam kết hành động nhằm biến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

AIPF lần đầu được tổ chức nhằm triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) được thông qua vào năm 2019, trong đó chuyển trọng tâm từ hợp tác an ninh trước đây sang hợp tác cụ thể về kinh tế./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)