Văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác công an được ban hành và lấy ý kiến trong tháng 08/2023
Chính sách - Ngày đăng : 10:30, 05/09/2023
Cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ
Cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ từ ngày 15/8/2023. |
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 14/8/2023 về việc áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước, vùng lãnh thổ; các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử.Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023, thay thế Nghị quyết số 79/NQ-CP ngày 25/5/2020 và Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 27/4/2022 của Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ quyết nghị thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ qua cửa khẩu đường hàng không (13 cửa khẩu); cửa khẩu đường bộ (16 cửa khẩu); cửa khẩu đường biển (13 cửa khẩu)…(xem thêm).
Nâng thời hạn tạm trú đối với công dân của 13 nước
Tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 14/8/2023 sửa đổi Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 15/3/2022, Chính phủ quyết nghị về việc miễn thị thực cho công dân 13 nước gồm: Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italy, Vương quốc Tây Ban Nha, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Liên bang Nga, Nhật Bản, Đại Hàn Dân Quốc, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Na Uy, Cộng hòa Phần Lan và Cộng hòa Belarus với thời hạn tạm trú 45 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.
Sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND)
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 57/2023/NĐ-CP ngày 11/8/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2019/NĐ-CP ngày 06/6/2019 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND).
Theo đó, Nghị định số 57/2023/NĐ-CP đã bổ sung quy định về xét thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn. Cụ thể, sĩ quan CAND được xét thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn trong trường hợp lập thành tích đặc biệt xuất sắc trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, xây dựng CAND, nghiên cứu khoa học, công tác, học tập mà được tặng thưởng một trong các hình thức huân chương, danh hiệu vinh dự nhà nước (không tính các hình thức khen thưởng theo niên hạn và khen thưởng quá trình cống hiến) như sau:
Các hình thức huân chương: Huân chương Sao vàng; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Danh hiệu vinh dự nhà nước: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; danh hiệu Anh hùng lao động...(xem thêm).
Nghị định đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan đến xét phong cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn. |
Sửa đổi, bổ sung tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố
Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2023/NĐ-CP ngày 18/8/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2014/NĐ-CP ngày 27/1/2014 của Chính phủ quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ phối hợp của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố các cấp.
Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp UBND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, chỉ đạo công tác phòng, chống khủng bố của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có đơn vị tham mưu, giúp việc gọi là Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thành phần Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Trưởng ban. Các Phó Trưởng ban gồm: Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Phó Trưởng ban thường trực);...
Một cuộc diễn tập cấp quốc gia đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng tại Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk năm 2022. |
Các thành viên gồm: Phó Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phụ trách an ninh (thành viên thường trực);…(xem thêm).
Quy định về đối tượng và điều kiện vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Quyết định này có hiệu lực từ 10/10/2023.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, đối tượng vay vốn gồm: Người chấp hành xong án phạt tù bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá; Cơ sở sản xuất kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Về điều kiện vay vốn: Người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận…(xem thêm).
Dự thảo Thông tư quy định về tuyển chọn và thực hiện chế độ, chính sách đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân
Bộ Công an dự thảo Thông tư quy định về tuyển chọn và thực hiện chế độ, chính sách đối với công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân gồm 04 Chương 21 Điều để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, Thông tư này quy định về chỉ tiêu, thời gian, đối tượng, tiêu chuẩn tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân (gọi chung là tuyển quân); ngành nghề tuyển chọn công dân nữ; phân công trách nhiệm và phối hợp trong tuyển quân; thực hiện chế độ, chính sách đối với công dân trong thời gian thực hiện lệnh gọi khám sức khỏe và chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong thời hạn phục vụ tại ngũ, xuất ngũ.
Về quy định độ tuổi và tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân: Ngoài các quy định về đối tượng, tiêu chuẩn tuyển chọn theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 70/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ quy định về thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, dự thảo Thông tư quy định công dân được tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân phải bảo đảm về độ tuổi từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 thì tuyển chọn đến hết 27 tuổi…(xem thêm).
Dự thảo Thông tư quy định quản lý, sử dụng kinh phí đối với công tác biên soạn từ điển và bách khoa thư trong Công an nhân dân
Vừa tạo điều kiện thuận lợi cho công tác biên soạn từ điển và bách khoa thư trong Công an nhân dân (CAND) phát triển, vừa đảm bảo sử dụng ngân sách nhà nước đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả, Bộ Công an dự thảo Thông tư quy định quản lý, sử dụng kinh phí đối với công tác biên soạn từ điển và bách khoa thư trong Công an nhân dân gồm 3 Chương và 9 Điều để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Ảnh minh họa. |
Theo đó, dự thảo Thông tư quy định về nội dung chi, định mức chi và quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí đối với công tác biên soạn từ điển và bách khoa thư trong CAND. Về nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí, dự thảo Thông tư quy định các định mức chi tối đa áp dụng đối với nhiệm vụ biên soạn và các hoạt động phục vụ biên soạn từ điển, bách khoa thư trong Công an nhân dân giúp Công an các đơn vị, địa phương căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách được giao để phê duyệt định mức lập dự toán kinh phí đảm bảo cho nhiệm vụ biên soạn từ điển, bách khoa thư trong Công an nhân dân; bảo đảm kinh phí được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả…(xem thêm).
Dự thảo Thông tư quy định về tài liệu bảo an
Nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật để triển khai hiệu quả công tác quản lý, thiết kế, chế tạo và sản xuất tài liệu bảo an, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; là cơ sở để Công an các đơn vị, địa phương quán triệt, thực hiện thống nhất, đồng bộ, Bộ Công an dự thảo Thông tư quy định về tài liệu bảo an gồm 4 Chương và 15 Điều để lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân.
Ảnh minh họa. |
Hiện nay, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an gặp khó khăn trong công tác điều tra, giám định các loại tài liệu bảo an bị làm giả do chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về thiết kế, chế tạo, sản xuất tài liệu bảo an.
Vì vậy, việc xây dựng Thông tư quy định về tài liệu bảo an là cần thiết để phòng, chống hiệu quả việc làm giả các loại tài liệu bảo an.
Theo đó, dự thảo Thông tư quy định về hoạt động thiết kế, chế tạo, sản xuất tài liệu bảo an, bảo mật, cung cấp, sao, chụp, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, giao, nhận, mang ra khỏi nơi lưu giữ, tiêu hủy thông tin dấu hiệu bảo an; chế độ thông tin, báo cáo; kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tài liệu bảo an phục vụ công tác Công an…(xem thêm).