Người đam mê với cổ vật Tây Nguyên
Yêu và quý các hiện vật văn hóa Tây Nguyên, anh Đinh Văn Bộ (Đắk Nông) đã dày công tìm hiểu, sưu tầm các hiện vật của đồng bào M’nông, Mạ, Ê đê, Gia Rai…
Yêu và quý các hiện vật văn hóa Tây Nguyên, anh Đinh Văn Bộ (Đắk Nông) đã dày công tìm hiểu, sưu tầm các hiện vật của đồng bào M’nông, Mạ, Ê đê, Gia Rai… . “Gia tài” hơn 1.000 hiện vật, anh Bộ hy vọng sẽ góp phần lưu giữ, bảo tồn văn hóa các dân tộc Tây Nguyên trước nguy cơ bị mai một.
Không khó để tìm thấy căn nhà gỗ của gia đình anh Đinh Văn Bộ, chủ nhân của rất nhiều hiện vật mang đặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Căn nhà nằm ngay quốc lộ 28, đoạn qua xã Quảng Khê (Đắk Glong), tạo được ấn tượng bởi với những hiện vật đang được trưng bày bên trong.
Ngay lối ra vào, một “tấm bản đồ” thu nhỏ được chủ nhân căn nhà kỳ công dựng lên bởi rất nhiều cồng, chiêng cổ. Có những chiếc nhuốm màu thời gian, bề mặt đã xuất hiện dày đặc các vết nứt như cách chứng minh cho tuổi đời của chúng.
Anh Đinh Văn Bộ cho biết, toàn bộ diện tích khoảng 50m2 phía trước căn nhà được anh trưng bày hơn 1.000 hiện vật.
Trong số này, chiếm nhiều nhất là các trang phục thổ cẩm, dụng cụ săn bắn, chóe, chén bát, trang sức cùng nhiều bộ cồng, chiêng, trống… của người M’nông, Mạ, Ê đê, Gia Rai.
Trong vô vàn hiện vật, anh Bộ chia sẻ, một vài món đồ đã có niên đại lên đến cả trăm năm. Tuy nhiên, chỉ bằng mắt thường thì khó có thể nhận biết được, chỉ có người dày công nghiên cứu hoặc tìm hiểu các tài liệu, mới có thể dự đoán được tuổi đời thực sự của các hiện vật này.
Anh Đinh Văn Bộ, quê ở tỉnh Thái Bình. Năm 2000, anh Bộ cùng bố mẹ vào Đắk Nông sinh sống. Cũng chính trong thời gian này, anh có cơ hội được tiếp xúc với những người bạn là dân tộc thiểu số.
Hiểu và yêu thích văn hóa đặc trưng của đồng bào bản địa, từ đó đã nhen nhóm trong anh ý tưởng về việc sưu tầm các hiện vật gắn liền với đời sống văn hóa của người dân nơi đây.
“Năm 2010, sau khi tốt nghiệp, tôi được phân công về công tác tại huyện Đắk Glong. Do đặc thù công việc phải di chuyển nhiều nơi, tôi được sống, được tiếp xúc với đời sống của nhiều dân tộc anh em. Nhận thấy nhiều điều thú vị trong đời sống văn hóa, sinh hoạt của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên, từ năm 2014, tôi bắt đầu sưu tầm các hiện vật văn hóa để trưng bày”, anh Đinh Văn Bộ cho hay.
Cũng theo chia sẻ của anh Bộ, quá trình sưu tầm các hiện vật đã để lại trong anh nhiều kỷ niệm khó quên. Trong đó, có những hiện vật anh phải mất không ít thời gian, tiền bạc mới sưu tầm được.
Điển hình như chóe “cây mai” hay chóe “mẹ địu con” - biểu tượng tôn vinh thiên chức làm mẹ, khẳng định vai trò trụ cột của người phụ nữ trong gia đình theo chế độ mẫu hệ của các dân tộc Tây Nguyên.
“Có chiếc chóe của một người dân tại Quảng Sơn, tôi phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục chủ nhân nhượng lại cho mình. Ngày đó, phải mất 3 năm, khi ông cụ (người sở hữu cổ vật- PV) qua đời, do đời sống kinh tế khó khăn nên người thân mới bán lại chiếc chóe đó cho tôi. Khi mua lại cổ vật, tôi luôn khuyến khích họ tới thăm cổ vật nếu muốn”, anh Bộ nói thêm.
Trong không gian trưng bày các hiện vật sưu tầm được, ấn tượng nhất có lẽ là những bộ cồng, chiêng. Chiêng mẹ, chiêng bố, chiêng con được chủ nhân bày trí, sắp xếp theo hình chữ S đất nước Việt Nam khá bắt mắt.
Chủ nhân của không gian trưng bày này chia sẻ, có thời điểm cồng, chiêng của đồng bào Tây Nguyên được mang đi bán, các buổi sinh hoạt cộng đồng không còn tiếng của những nhạc cụ này. Nguy cơ mai một nét văn hóa đặc sắc đã thôi thúc anh bỏ công đi sưu tập lại các bộ cồng, chiêng cổ.
Anh Đinh Văn Bộ nói: “Những nhạc cụ này thường được đúc bằng đồng đen, có thời điểm đáng giá cả gia tài. Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, cồng chiêng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tâm linh. Chính vì thế, ngoài chóe, thì cồng và chiêng là những hiện vật tôi sưu tầm nhiều nhất và cũng tốn kém kinh phí nhất”.
Video: Người đam mê với cổ vật Tây Nguyên
Trong không gian được trưng bày rất nhiều hiện vật, anh Bộ bài trí thêm một bếp lửa ngay dưới nền nhà. Khách đến tham quan, sẽ được tận tay thổi lửa, đun nước và thưởng thức cà phê đặc sản của huyện Đắk Glong.
Dày công sưu tầm, anh Đinh Văn Bộ cho biết, anh đang ấp ủ ý tưởng làm một bảo tàng tư nhân nhỏ và homestay phục vụ khách du lịch tham quan, khám phá.
Khi tới đây, thông qua tìm hiểu mỗi loại hiện vật, du khách sẽ hiểu được những câu chuyện chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Chia sẻ về dự định này, anh Bộ nói: “Tôi nghĩ rằng, để các hiện vật này được sống với đúng giá trị của nó thì phải đặt trong những bối cảnh, nơi chúng được sinh ra và nuôi dưỡng. Tôi mong muốn, khi có điều kiện sẽ xây dựng được một không gian đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, khi đó các hiện vật được trưng bày sẽ mang đến những cảm nhận chân thật nhất cho du khách”.
Theo đánh giá của nhiều người, nếu không yêu cái hay, cái đẹp độc đáo của văn hóa Tây Nguyên, không đau đáu với những hiện vật đã từng một thời gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số đang dần bị mai một thì khó ai có thể làm được như anh Bộ.
Điều đặc biệt hơn nữa, dù bỏ ra số tiền lớn, tốn rất nhiều thời gian, tuy nhiên việc sưu tập của anh Bộ lại không nhằm kinh doanh theo dạng mua đi, bán lại để kiếm lợi nhuận. Công việc mà anh đang làm đúng nghĩa là lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của từng hiện vật.
Tin rằng, với niềm đam mê và sự dày công sưu tầm, dự định làm bảo tàng mini tư nhân kết hợp homestay của anh Bộ sẽ sớm thành hiện thực, là điểm tham quan thú vị cho những ai yêu thích các báu vật, văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.
Nội dung: Thanh Hằng
Trình bày: Thanh Hằng
Đắk Nông, ngày 3/9/2023