Kinh tế

Hành động quyết liệt để vốn đầu tư không ùn tắc

Nguyễn Lương 04/09/2023 05:00

Giải ngân vốn đầu tư tại Đắk Nông hiện đang đạt tỷ lệ rất thấp. Tỉnh đang quyết tâm, quyết liệt các giải pháp để hoàn thành giải ngân vốn trên 90% theo kế hoạch năm 2023.

Sức ì lớn

Đến 15/8/2023, Đắk Nông mới giải ngân được 1.212 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 30% kế hoạch năm 2023. Đây là tỷ lệ giải ngân thấp rất nhiều so với cùng kỳ các năm trước.

Trong đó, nguồn ngân sách địa phương giải ngân 521 tỷ đồng, đạt 35,3%; nguồn ngân sách Trung ương 686 tỷ đồng, đạt 71%; nguồn ODA giải ngân 4,3 tỷ đồng đạt 3,4%.

z4427627745557_c575dc75522cffd168b461b1151a4da0-1-(1).jpg
Đến 15/8/2023, giải ngân vốn đầu tư tại Đắk Nông mới đạt 30%

Riêng đối với nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2023 có tổng nguồn vốn đầu tư gần 1.120 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh là 546 tỷ đồng, còn lại là nguồn Trung ương phân bổ.

Đến giữa tháng 7/2023, nguồn vốn của các chương trình này mới giải ngân hơn 23 tỷ đồng, đạt hơn 4% kế hoạch. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm.

Trước hết là do công tác hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện của các bộ, ngành Trung ương và địa phương vẫn còn chậm ban hành trong quá trình triển khai. Một số văn bản đã ban hành, trong quá trình thực hiện vẫn còn phát sinh khó khăn.

Đơn cử như định mức về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nhà ở; định mức, hình thức hỗ trợ các dân tộc (Dự án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) gặp nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (Dự án giảm nghèo bền vững) còn hạn chế.

Ông Trần Nam Thuần, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho hay, hiện nay, tiến độ 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia tại địa phương rất chậm. Một số nội dung về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thiếu văn bản hướng dẫn. “Địa phương đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH, Sở NN-PTNT có hướng dẫn cụ thể”, ông Thuần đề xuất.

Tương tự, tại huyện Đắk R’lấp, nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2023 chưa giải ngân được đồng nào. Theo lý giải của lãnh đạo địa phương, đối với nội dung đất ở, đất sản xuất chưa ban hành định mức hỗ trợ.

Quy định cụ thể định mức hỗ trợ cho các nhóm cộng đồng dân cư, quy định số lượng thành viên trong nhóm cộng đồng cũng thế. Do vậy, địa phương rất khó triển khai.

Vướng nhiều nguyên nhân

Theo Sở KH-ĐT, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nói chung tại Đắk Nông thấp là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, cái vướng lớn nhất vẫn là quy hoạch bô xít. Đắk Nông có 5/8 huyện, thành phố vướng vào quy hoạch này.

“Hầu hết các dự án, trong đó có những dự án trọng điểm đang vướng vấn đề này. Từ giao thông, dân dụng đến công trình dân sinh…", ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết.

img_0933-1-.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên vận động người dân bàn giao mặt bằng để xây dựng công trình trên địa bàn TP. Gia Nghĩa

Quy hoạch mỏ bô xít Đắk Nông có tổng diện tích hơn 200.000 ha, chiếm 1/3 diện tích tự nhiên của tỉnh. Các quy định về tận thu khoáng sản đang là khó khăn rất lớn trong triển khai xây dựng các công trình hạ tầng, nhất là giao thông. Đây đang là rào cản trong đầu tư xây dựng của Đắk Nông hiện nay.

Ngoài vướng bô xít, nhiều công trình đang thiếu nguyên vật liệu đất đắp. Một số dự án chưa hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, nên chậm tiến độ, dẫn đến chậm giải ngân vốn.

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông Nguyễn Văn Nghĩa cho rằng, UBND các huyện, thành phố đã có nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “nút thắt” chưa được giải quyết.

“Các sở, ngành liên quan, thành phố Gia Nghĩa tạo điều kiện lớn nhất để giải phóng mặt bằng tốt hơn. Lãnh đạo các huyện chỉ đạo Trung tâm phát triển quỹ đất huyện tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng”, ông Nghĩa yêu cầu.

Về giải phóng mặt bằng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười chỉ ra rằng: “Giải phóng mặt bằng đang bất cập. Một đơn vị thi công, một đơn vị giải phóng mặt bằng. Trong quá trình thực hiện, bên này đổ trách nhiệm cho bên kia, làm nhiều dự án không đạt hiệu quả như mong đợi”.

Chuyển vốn những địa phương không vướng

Thực tế, năm 2023, Đắk Nông xác định việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tỉnh đã chủ động, quyết liệt từ đầu năm. Với mục tiêu tất cả các công trình, dự án đều được triển khai sớm.

UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các chủ đầu tư, sở, ngành, các huyện, thành phố tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Đối với vướng mắc liên quan đến quy hoạch bô xít, tỉnh đã báo cáo Trung ương, đề xuất phương hướng tháo gỡ.

z4427944005226_7b8056c92ee947a6ea108b3945013d64-2-.jpg
Một số hạng mục không vướng được các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông Lê Văn Chiến cho biết, đầu tư công hiện vướng rất nhiều. Ngoài vướng quy hoạch thì giải phóng mặt bằng có nhiều đơn vị thực hiện chậm.

“Những tháng tới, chúng ta điều chuyển vốn linh hoạt để giải ngân. Công tác thu ngân sách phải đẩy mạnh, tránh tình trạng tỷ lệ giải ngân thấp vì không có nguồn chi”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Văn Chiến nhấn mạnh.

Liên quan đến giải ngân vốn, tại hội nghị đánh giá tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra tháng 6/2023, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh: “Lãnh đạo địa phương quyết tâm giải phóng mặt bằng. Chúng ta quyết tâm là được thôi. Kinh nghiệm thành công nhìn từ một số dự án ở các địa phương như: Đắk Glong, Tuy Đức, Gia Nghĩa”.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, ngoài những vướng mắc do quy hoạch bô xít, những dự án không vướng phải tập trung đẩy nhanh tiến độ. Riêng 3 huyện Đắk Mil, Cư Jút, Krông Nô phải đẩy nhanh tiến độ gấp nhiều lần, vì không vướng vào bô xít. Tới đây, UBND tỉnh tính toán chỉ đạo Sở KH-ĐT đề xuất đưa vốn về cho các huyện này.

“Làm gì thì làm, với vai trò, trách nhiệm của mình, lãnh đạo các địa phương tìm mọi hướng đi, phấn đấu đến cuối năm giải ngân trên 90%. Nếu kẹt bô xít, chúng ta chuyển qua công trình khác. Chỗ nào hấp thụ vốn tốt thì làm”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười chỉ đạo.

Nguyễn Lương