Bô xít - nền tảng cho Đắk Nông đột phá
Đắk Nông đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - nhôm và sau nhôm của quốc gia. Tỉnh cũng xác định, bô xít là nền tảng cơ bản để tạo đột phá phát triển.
Tạo không gian phát triển công nghiệp
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030, ngành Công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp khai thác, chế biến bô xít - nhôm của Việt Nam.
Các sản phẩm công nghiệp có tiềm năng, lợi thế sẽ được Đắk Nông tập trung phát triển như: công nghiệp sản xuất alumin - nhôm - sau nhôm; công nghiệp phụ trợ; sản xuất, chế biến nông, lâm sản; năng lượng; khai thác khoáng sản; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất hóa chất, cao su và các ngành công nghiệp khác.
Giai đoạn 2021 – 2025, Đắk Nông phấn đấu đạt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 16%/năm. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tăng 3,03%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 31,04%.
Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước của tỉnh tăng 24,93%; công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5%.
Các ngành công nghiệp chế biến nông - lâm sản sẽ được tỉnh thúc đẩy tăng trưởng với tốc độ gia tăng giá trị qua chế biến đạt từ 7-8%/năm; công nghiệp khai thác bô xít, luyện alumin, nhôm tăng 46,46%; điện sản xuất tăng 13,32%/năm; điện thương phẩm tăng 36,5%/năm. Tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP vào năm 2025 chiếm 16,74%.
Trong giai đoạn 2026 – 2030, Đắk Nông sẽ đưa tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP đạt 23%. Tỉnh xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp để góp phần tăng thu ngân sách. Từ đó, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Không gian phát triển cho các khu, cụm công nghiệp được Đắk Nông sớm định hình. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp hiện có như: Tâm Thắng, Nhân Cơ, Thuận An...
Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng để đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2026 - 2030, với quy mô 400 ha.
Đắk Nông phấn đấu đến năm 2025, 100% cụm công nghiệp đang hoạt động được đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, được quản lý hoạt động theo đúng quy định...
Xây dựng cơ chế đặc thù cho bô xít
Theo đánh giá của UBND tỉnh, những năm qua, công tác lập quy hoạch nói chung và một số ngành, lĩnh vực, địa phương nói riêng có tính khả thi thấp.
Đặc biệt, Đắk Nông chưa phát huy được vai trò trụ cột về kinh tế do thiếu những điều kiện cần thiết. Trụ cột về khai thác bô xít và nhôm là một ví dụ. Mặc dù lĩnh vực này đã có những cơ sở khá vững chắc để phát triển, nhưng còn nhỏ và cần được mở rộng về quy mô.
Với quy hoạch tổng thể của tỉnh mới được thông qua đã giúp cho các nhà đầu tư thêm nhiều kỳ vọng về dự định triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.
Là nhà đầu tư lớn tại Đắk Nông, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang đang triển khai một số dự án liên quan tới bô xít và phân bón. Để các dự án mang lại hiệu quả, doanh nghiệp mong muốn, Đắk Nông cần sớm đưa quy hoạch chung và quy hoạch ngành công nghiệp vào thực tiễn.
Sau 7 năm đi vào hoạt động, Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho tỉnh Đắk Nông.
Bình quân mỗi năm, dự án đóng góp hơn 400 tỷ đồng cho ngân sách địa phương. Dự án đang tạo việc làm cho khoảng 1.033 lao động; trong đó, lao động địa phương là 599 người, với thu nhập bình quân trên 14 triệu đồng/người/tháng.
Tại buổi làm việc với Đắk Nông mới đây, ông Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, Đắk Nông đang có tiềm năng rất lớn về phát triển công nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Anh bày tỏ, bô xít chính là nguồn nguyên liệu quan trọng của phát triển công nghiệp hiện đại. Hàng năm, Ủy ban đang đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho khoa học công nghệ.
Sắp tới, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cùng với tỉnh dành nguồn vốn này để nghiên cứu quy hoạch tổng thể cho ngành công nghiệp Đắk Nông, cụ thể là công nghiệp nhôm.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh cho biết, để ngành công nghiệp phát triển, giữ vị trí dẫn đầu trong 3 trụ cột kinh tế, tỉnh sẽ cùng các đơn vị liên quan đề xuất Chính phủ có cơ chế đặc thù cho phát triển bô xít Đắk Nông.
Đắk Nông sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp giúp ngành công nghiệp phát triển. Trong đó sẽ tập trung vào chính sách ưu đãi như: miễn, giảm tiền thuê mặt bằng, tiền sử dụng đất, thuế…
Đây là cơ sở để khuyến khích thu hút các dự án phát triển công nghiệp bô xít - alumin – nhôm, năng lượng tái tạo và các dự án chế biến nông sản công nghệ cao từ nguồn nguyên liệu của tỉnh.