Nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại khu vực Tây Nguyên
Thời sự Đắk Nông - Ngày đăng : 09:00, 31/08/2023
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 của 5 tỉnh Tây Nguyên, trong 7 tháng năm 2023, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặc dù diễn biến không có điểm nóng, vụ việc phức tạp, nổi cộm, song số vụ việc được phát hiện xử lý ở một số tuyến, địa bàn trọng điểm tại các tỉnh Tây Nguyên có chiều hướng tăng, còn tiềm ẩn phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như sự phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Cụ thể, các địa phương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 6.485 vụ vi phạm (tăng 46,9 % so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu 1.024 vụ (tăng 9,8% so với cùng kỳ); gian lận thương mại, gian lận thuế 5.377 vụ (tăng 53,9% so với cùng kỳ); hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ 90 vụ (tăng 184,2% so với cùng kỳ); khởi tố vụ án hình sự 201 vụ (tăng 44 % so với cùng kỳ) với 298 đối tượng (tăng 58,3 % so với cùng kỳ). Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 134,386 tỷ đồng (tăng 61,2% so với cùng kỳ).
Các hành vi vi phạm nổi lên là vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh các loại hàng cấm, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, công bố chất lượng sản phẩm; vi phạm các quy định trong kinh doanh; gian lận thuế; khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản; tác động và điều khiển kỹ thuật để vi phạm các quy định về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Các nhóm hàng hóa vi phạm chủ yếu là ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá điếu ngoại, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, lâm sản, khoáng sản, xăng dầu, thuốc lá, thuốc lá điện tử, hàng điện tử, điện lạnh, vải, quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, hàng gia dụng, hàng tiêu dùng...
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng chỉ ra những tồn tại như công tác nắm tình hình có lúc còn bị động, một số đơn vị, địa phương chưa chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nên kết quả một số mặt còn hạn chế, nhất là đối với một số chuyên đề của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia như thương mại điện tử, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, thực phẩm chức năng… chưa tương xứng thực tế tình hình và yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Đại diện Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá tình hình, tính chất từng địa phương, những khó khăn, vướng mắc; những bài học kinh nghiệm rút ra trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện để trên cơ sở đó tham mưu Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các bộ, ngành, lực lượng chức năng, các địa phương nói chung, 5 tỉnh Tây Nguyên nói riêng tiến hành các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để tăng hiệu quả công tác phòng-chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Trịnh Mạnh Cường, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho rằng, trong những tháng cuối năm 2023, nhu cầu phát triển sản xuất, tiêu dùng dịp lễ, Tết tăng cao, cộng với biến động chênh lệch giá cả hàng hóa giữa các nước trong khu vực, vùng miền trong nước còn lớn, đã xuất hiện sự khan hiếm cục bộ và tăng giá đột biến một số mặt hàng trọng điểm, thiết yếu...
“Đây sẽ là động cơ, nguyên nhân dẫn đến hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ có diễn biến phức tạp, là thách thức cho các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng thực thi công tác” - ông Trịnh Mạnh Cường nhấn mạnh.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh Tây Nguyên tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, chia sẻ thông tin dữ liệu, phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền theo phương châm đa dạng về hình thức, bảo đảm nội dung và chất lượng tuyên truyền. Tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời, từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.