Thầy mo Đặng Chòi Hiền giúp đồng bào xóa bỏ hủ tục
Giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào Dao, xã Tân Thành (Krông Nô), thầy mo Đặng Chòi Hiền đã, đang góp phần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, gìn giữ những nét văn hóa đẹp của dân tộc.
Muốn người dân nghe, mình phải đi trước
Vốn là thầy mo, với hơn 40 năm thực hiện các tín ngưỡng thờ cúng, nghi lễ tâm linh, đối với ông Đặng Chòi Hiền (65 tuổi), chiêng, trống, chũm chọe… không chỉ là đơn thuần là nhạc cụ, mà nó còn là một nét văn hóa, có tính thẩm mỹ và ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
Ông Hiền quê Cao Bằng. Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, ông cùng rất nhiều hộ đồng bào người Dao khác vào Đắk Nông làm kinh tế mới. Không chỉ mang theo vốn liếng, kinh nghiệm sản xuất, cộng đồng người Dao Cao Bằng còn mang theo rất nhiều phong tục truyền thống đến với mảnh đất bazan này.
“Tôi làm thầy mo khi mới 20 tuổi nên khi vào Đắk Nông, tôi vẫn tiếp tục với công việc của mình. Ngày ấy bà con trong thôn có việc gì trọng đại đều mời thầy mo về làm lễ, đó cũng là nét đẹp trong văn hóa người Dao”, ông Hiền kể.
Theo lời ông Hiền, với dân tộc Dao khi có ma chay, tang lễ sẽ diễn ra trong nhiều ngày liền, khi nào thầy mo xem được ngày đẹp mới tiến hành an táng. Hay như chuyện cưới xin, trai gái yêu nhau, hai gia đình phải đi xem thầy mo, nếu thầy nói không hợp thì sẽ ngăn cản việc cưới xin. Việc tổ chức lễ cưới kéo dài, tốn kém.
Nhận thấy đây là những phong tục lạc hậu, trở thành gánh nặng cho người dân, chính ông Hiền đã tiên phong xóa bỏ những hủ tục này. Ngoại trừ 2 người con đầu tổ chức lễ cưới tại Cao Bằng, chuyện cưới xin của những người con còn lại, ông Hiền chỉ thực hiện gọn gàng, đơn giản và phù hợp với điều kiện kinh tế.
“Là thầy mo, phải làm gương cho mọi người, nên mấy đứa con, tôi đều tổ chức đám cưới tiết kiệm, gói trọn trong một buổi. Sau này, cứ khi nào người dân mời tôi về cúng, tôi đều khuyên mọi người bỏ bớt các thủ tục không cần thiết, chỉ giữ lại những phần nghi lễ quan trọng, nhằm duy trì nét đẹp truyền thống của đồng bào Dao”, ông Hiền nói thêm.
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền cùng với uy tín của mình, thầy mo Đặng Chòi Hiền đã từng bước loại bỏ những hủ tục lạc hậu ra khỏi đời sống của đồng bào Dao thôn Đắk Ri. Đối với các nghi lễ cũng được thầy mo tổ chức ngắn gọn với các lễ vật đơn giản, nhưng vẫn đủ lòng thành kính dâng lên tổ tiên.
Tấm gương cho mọi người noi theo
Trước đây cuộc sống của gia đình ông Đặng Chòi Hiền rất khó khăn khi có 10 người con. Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, ông Hiền xác định cho con cái đi học là một trong những cách để thoát nghèo hiệu quả. Chính vì thế, các con của ông Hiền đều được bố mẹ tạo điều kiện cho đến trường, trong đó có 3 người con vào học đại học.
Ông Hoàng Chặn Phin, thôn Đắk Ri lấy tấm gương của gia đình ông Đặng Chòi Hiền để làm ăn, nuôi dạy con cái. Nhờ sự động viên của thầy mo Hiền, gia đình ông Phin đã dần loại bỏ những hủ tục lạc hậu, tốn kém, thay vào đó các lễ nghi, ngày trọng đại, đều được gia đình tổ chức ấm cúng, tiết kiệm.
“Chúng tôi rất tin tưởng thầy mo Đặng Chòi Hiền, tập trung phát triển kinh tế, không mê tín dị đoan làm ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình”, ông Phin nói thêm.
Theo ông Trần Doãn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, cá nhân ông Đặng Chòi Hiền là một thầy mo, người có uy tín đối với đồng bào dân tộc Dao. Ông Hiền đã phát huy tinh thần, trách nhiệm và vai trò của cá nhân trong việc vận động người dân từng bước loại bỏ các hủ tục lạc hậu, đồng thời gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống. Bản thân ông Hiền cũng là tấm gương để mọi người học hỏi trong việc phát triển kinh tế, nuôi dạy con cháu.