Dự án kéo dài, có phải bổ sung đánh giá tác động môi trường?

Chính sách - Ngày đăng : 10:21, 29/08/2023

Theo phản ánh của ông Trương Quốc Đạt (Bình Thuận), dự án nhà máy nước sạch công suất 10.000 m3/ngày sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án và UBND tỉnh phê duyệt dự án từ năm 2007.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên dự án kéo dài, đến ngày 28/3/2018, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh dự án để triển khai thực hiện và hiện nay đang thi công xây dựng công trình (đã thi công từ tháng 10/2022).

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh chủ trương đầu tư để đổi tên dự án cho phù hợp với Biên bản ghi nhớ giữa 2 nước, đồng thời điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

Sau đó, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh dự án theo các nội dung phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Quá trình thực hiện, công ty ông Đạt gặp khó khăn trong việc triển khai áp dụng Luật Bảo vệ môi trường 2020, ông đề nghị được giải đáp một số nội dung sau:

Dự án đã được phê duyệt từ năm 2007 và phê duyệt điều chỉnh bổ sung ngày 28/3/2018, trước ngày Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực. Nay dự án đang được triển khai thi công, vậy có cần phải lập, thẩm định và trình phê duyệt bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường hay không?

Thực tế đặc thù, dự án nhà máy cung cấp nước sạch khi đi vào vận hành chỉ phát sinh một số loại chất thải: Nước thải sinh hoạt sẽ được xử lý qua công trình bể tự hoại để xử lý nước thải tại chỗ; nước rửa lọc được thu hồi vào bể thu hồi và bơm tuần hoàn tiếp tục xử lý. Riêng lượng bùn được xử lý qua cụm xử lý bùn gồm hạng mục bể xử lý bùn, bể nén bùn và nhà làm khô bùn. Bùn sau khi được xử lý sẽ được đơn vị có giấy phép của địa phương thu gom xử lý theo quy định. Trong trường hợp này, có cần phải xin giấy phép môi trường hay không?

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng cảm ơn ông đã nghiên cứu các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020 để áp dụng triển khai thực hiện. Liên quan đến ý kiến của ông, Bộ có ý kiến như sau:

Luật Bảo vệ môi trường 2020 không yêu cầu việc thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đã được triển khai thực hiện theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đánh giá tác động môi trường được thực hiện đồng thời với quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương theo quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là một trong các căn cứ để cơ quan có thẩm quyền kết luận thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đối với dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 36 Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Căn cứ các quy định nêu trên, đề nghị quý công ty ông Đạt đối chiếu để thực hiện:

- Trường hợp dự án không thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, không thuộc đối tượng phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, được xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trước thời điểm Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực và đã tiến hành thi công thì không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

- Trong trường hợp dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, thuộc đối tượng phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường mà chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì bị xử phạt và thực hiện các biện pháp khắc phục theo quy định tại Điều 168 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Đối tượng phải có giấy phép môi trường

Căn cứ quy định tại Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đối tượng phải có giấy phép môi trường bao gồm:

- Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II, nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào chính thức.

- Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành có tiêu chí về môi trường như đối tượng quy định nêu trên.

Do đó, dự án nhà máy cung cấp nước sạch khi đi vào hoạt động phát sinh nước thải sinh hoạt hoặc nước thải sản xuất phải được xử lý trước khi xả ra môi trường thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường theo quy định..

Chinhphu.vn