Trung Quốc tiếp tục hoàn thiện thị trường carbon
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 21:55, 28/08/2023
Quầy giao dịch carbon của Tập đoàn Lưới điện quốc gia Trung Quốc tại thành phố Lan Châu, Cam Túc. (Ảnh: HỮU HƯNG) |
Đây là thông tin được Người phát ngôn Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc Liu Youxin cho biết trong buổi họp báo tổ chức ngày 28/8.
Theo đó, thời gian qua, thị trường quyền phát thải carbon toàn quốc của Trung Quốc đã khởi động công tác cấp phát hạn ngạch và thực hiện cam kết của giai đoạn 2 năm 2021-2022, có tổng cộng hơn 2.200 doanh nghiệp sản xuất điện nằm trong diện áp dụng giao dịch quyền phát thải carbon.
Thời gian thực hiện cam kết, thanh toán hạn ngạch kéo dài đến hết năm 2023, mỗi đơn vị phát thải trọng điểm có thể sử dụng mức giảm phát thải tự nguyện được chứng nhận quốc gia (CCER) để bù đắp 5% lượng hạn ngạch cần thanh toán mỗi năm.
Đại diện Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc cũng cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp đối phó các khó khăn hiện nay, Trung Quốc áp dụng chính sách linh hoạt đối với việc thực hiện cam kết của doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp còn thiếu lượng hạn ngạch lớn, có thể tạm ứng một phần hạn ngạch của năm 2023 để thanh toán cho 2 năm 2021 và 2022. Tuy nhiên, chính sách này chỉ áp dụng trong giai đoạn hiện nay, sẽ không thực hiện trong tương lai.
Hiện nay, toàn bộ hạn ngạch đã cơ bản được cấp phát, đánh dấu quá trình thanh toán và thực hiện cam kết bắt đầu triển khai.
Để tiếp tục hoàn thiện thể chế giao dịch tại thị trường quyền phát thải carbon, hoàn thiện chức năng của thị trường, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc khẳng định sẽ thúc đẩy xây dựng quy định về quản lý giao dịch quyền phát thải carbon trên cơ sở củng cố chất lượng dữ liệu phát thải carbon, xây dựng phương án phân phối hạn ngạch chu kỳ thực hiện cam kết tiếp theo, nghiên cứu mở rộng phạm vi áp dụng trong các ngành nghề, phấn đấu sớm khởi động thị trường giao dịch giảm phát thải khí nhà kính tự nguyện toàn quốc trong năm nay.
Thị trường giao dịch quyền phát thải carbon toàn quốc của Trung Quốc chính thức ra đời từ năm 2021, hiện nay mới chỉ tập trung ở ngành điện, với tổng lượng phát thải khí CO2 đạt khoảng 4,5 tỷ tấn/năm, là thị trường giao ngay carbon có quy mô lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Với nhiều kết quả nổi bật, thị trường này được đánh giá là công cụ hữu hiệu để nước này hiện thực hóa “2 mục tiêu carbon” (đạt đỉnh phát thải carbon và trung hòa carbon) hướng tới phát triển xanh, bền vững.