Nữ tỷ phú trồng nhãn ra trái xum xuê, nuôi heo rừng ở Gia Lai là Nông dân Việt Nam xuất sắc
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 08:29, 28/08/2023
"Bén duyên" với cây ăn trái
Vào những ngày giữa tháng 8, PV Dân Việt được cán bộ Hội Nông dân xã Yang Trung (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) dẫn đến thăm mô hình trồng cây ăn trái của chị Phạm Thị Phương (trú tại thôn 9, xã Yang Trung).
Khu vườn của chị Phương có tổng diện tích khoảng 10 ha. Trong số này có khoảng 4 ha gồm cây ăn trái gồm nhãn, na, dừa xiêm, ổi và còn lại là trồng mía, bắp. Dạo quanh khu vườn, chúng tôi cảm nhận được một gam màu xanh tươi tốt giữa ánh nắng mặt trời của các loại cây. Cả khu vườn được bố trí rất bài bản, từng khu vực một.
Trò chuyện cùng với PV, chị Phương kể, bản thân sinh ra và lớn lên tại huyện Ninh Giang (tỉnh Hải Dương). Ở vùng quê nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn nên vào năm 1996, cả gia đình chị quyết định lặn lội vào xã Yang Trung để lập nghiệp. Ở vùng đất mới, hai vợ chồng làm thuê đủ thứ nghề để có tiền trang trải cho cuộc sống.
Sau này, khi đã dành dụm được một ít vốn, chị mua lại 5 sào đất của người địa phương để trồng các loại mỳ, bắp, đậu xanh và các loại cây rau màu. Qua nhiều chăm cần mẫn cày cuộc, đến nay gia đình đã sở hữu được 10 ha đất.
"Khi trồng mỳ, bắp và đậu xanh, tôi nhận thấy về lâu về dài đất đai ngày càng bị thoái hoá, bạc màu dẫn đến năng suất không định. Sau đó, tôi quyết định chuyển sang trồng thử cây xoài và điều. Do thiếu một kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc nên cây trồng bị sâu bệnh dẫn đến chết. Chưa kể, giá cả hồi đó cũng bấp bênh nên gia đình tôi rất lao đao", chị Phương nói.
Sau nhiều tháng tìm hiểu, tham quan một số mô hình kinh tế ở các tỉnh phía Bắc, chị Phương đã mạnh dạn đưa giống nhãn T6 về trồng thử nghiệm ở vùng đất cằn cỗi này. Trước khi trồng, chị tìm hiểu kỹ về giống, kỹ thuật chăm sóc cây nhãn trên mạng internet, truyền hình, sách báo kết hợp với những kiến thức đã học được khi đi thực tế. Nhờ được chăm sóc bài bản, sau vài năm, vườn nhãn của gia đình đã phát triển tốt, cây lá sum xuê, trĩu quả.
Nhận thấy hiệu quả, năm 2012, chị quyết định phá bỏ vườn điều và xoài để trồng 3,7 ha nhãn. Bên cạnh đó, với phương châm "lấy ngắn nuôi dài", trồng đa canh trên cùng một diện tích để tránh rủi ro, chị Phương tiếp tục đầu tư trồng na, ổi và dừa xiêm lùn trên diện tích hơn 2 ha.
Về kinh nghiệm trồng các loại cây ăn trái, chị Phương chia sẻ: Người trồng cần phải am hiểu kỹ thuật chăm sóc như vun gốc, tỉa cành, cung cấp lượng phân bón cũng như lượng nước thích hợp; thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu bệnh hại, kịp thời có biện pháp phòng bệnh phù hợp. Khi bón phân cho cây, tôi luôn sử dụng chuồng hoai mục và hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc diệt cỏ để hạn chế việc tồn lưu các hóa chất có hại tới sản phẩm cây ăn quả và gây ô nhiễm môi trường.
"Tôi cũng đầu tư thêm hệ thống tưới nước tự động cho cây trồng. Chỉ cần thổ nhưỡng phù hợp, khi trồng luôn giữ mương thông thoáng thì cây sẽ phát triển tốt và cho sản lượng cao", chị Phương kể.
Chưa dừng lại ở đó, vào năm 2019, chị Phương đã cải tạo 4 sào đất trồng rau màu để đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi 10 con heo rừng nái. Bình quân mỗi năm, gia đình xuất bán khoảng 10-15 lứa heo rừng con, cho thu nhập khoảng hơn 200 triệu đồng.
Còn với mô hình trồng trọt, mỗi năm gia đình chị thu về hơn 1 tỷ đồng, trong đó chỉ riêng cây nhãn là 600 triệu đồng. Hiện nay thị trường rất ưa chuộng các loại trái cây nội địa. Chính vì vậy, sản phẩm của chị được thương lái vào tận vườn thu mua, nên không sợ “tắc” đầu ra.
Từ nguồn thu nhập ổn định ấy, chị Phương đã xây dựng được một căn nhà khang trang để ở, mua xe ô tô để đi lại và mua xe ô tô tải để vận chuyển nông sản.
Thời gian tới, chị sẽ tiếp tục chuyển đổi những diện tích lúa, bắp để tiếp tục mở rộng trồng thêm nhãn T6, mít, sầu riêng và cây mắc ca. Đồng thời, chị cũng dự định sẽ xây được một ngôi nhà nuôi yến tại vườn cây ăn trái của gia đình hiện nay.
"Khi trồng đa canh trên cùng 1 một diện tích, khi loại cây này mất giá sẽ có loại cây khác bù vào. Cùng với đó, việc trồng nhiều loại cây ăn trái cũng sẽ giúp mùa nào cũng cũng sản phẩm thu hoạch, có thu nhập đều đặn và đáp ứng yêu cầu thường xuyên của thị trường", chị Phương chia sẻ thêm.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Trực, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yang Trung (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) cho hay, khoảng vài năm trở lại đây thì người dân trên địa bàn xã đã có xu hướng chuyển đổi từ các loại cây lương thực sang trồng cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao. Tổng diện tích cây ăn trái cho đến hiện tại của xã là gần 158 ha cây.
Mô hình kinh tế của chị Phạm Thị Phương là một trong những điển hình của xã và được rất nhiều hội viên nông dân đến thăm quan, học hỏi. Bên cạnh đó, chị Phương còn hướng dẫn người dân trong xã về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn trái, hỗ trợ cây giống. Từ đây, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có được cuộc sống ổn định.
"Là hội viên của Hội Nông dân, những năm qua, chị Phương còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do các cấp Hội Nông dân phát động, như phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững"; hiến đất, làm đường để xây dựng nông thôn mới", ông Trực nói.
CLIP: Mô hình kinh tế tổng hợp trồng cây ăn trái (trồng nhãn, trồng na Thái), nuôi heo rừng của chị Phạm Thị Phương, xã Yang Trung (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai). Video: Hoàng Lộc.
Từ những kết quả trong lao động sản xuất đã đạt được, vừa qua, chị Phạm Thị Phương đã được bình chọn là 1 trong 100 gương mặt nông dân tiêu biểu của cả nước nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.