5 trụ cột kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore

Chính sách - Ngày đăng : 23:49, 27/08/2023

Chiều 27/8, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 17 về Kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Thứ hai Bộ Công nghiệp và Thương mại kiêm Bộ trưởng Nhân lực Singapore, ông Tan See Leng.

5 trụ cột kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore - Ảnh 1.

Hội nghị Bộ trưởng Kết nối Việt Nam - Singapore lần thứ 17.

Kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore

Tham dự hội nghị, có đại diện của các bộ, ngành của Việt Nam và Singapore liên quan tới các hoạt động hợp tác kinh tế thuộc 5 trụ cột, bao gồm: kết nối năng lượng; phát triển bền vững; cơ sở hạ tầng; kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo và kết nối (bao gồm các lĩnh vực như: giáo dục, tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông, du lịch, đầu tư, thương mại và dịch vụ, giao thông vận tải).

Đây là 5 lĩnh vực trong khuôn khổ Hiệp định khung Kết nối hai nền kinh tế được nâng cấp sẽ được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từ ngày 27 - 28/9/2023.

Hiệp định khung Kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Singapore được ký kết giữa hai Chính phủ vào năm 2005 là Chương trình hợp tác toàn diện tập trung vào 6 nội dung cụ thể, bao gồm: tài chính; giáo dục và đào tạo; giao thông vận tải; công nghệ thông tin và truyền thông, đầu tư, thương mại và dịch vụ.

Với mục tiêu phát triển những lĩnh vực hợp tác tiềm năng mới giữa hai nước, Chính phủ hai nước Việt Nam và Singapore đã thống nhất mở rộng thêm 2 nội dung mới như: hợp tác năng lượng, phát triển bền vững vào Hiệp định khung.

5 trụ cột kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Singapore là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam

Hội nghị lần thứ 17 được tổ chức vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Singapore.

Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 7,7 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Singapore là một trong những nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam với gần 3.031 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 70,3 tỷ USD.

Các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) chính là biểu tượng của sự hợp tác kinh tế giữa hai nước (sử dụng trên 7.000 ha đất, thu hút khoảng 18 tỷ USD vốn đầu tư và tạo hơn 312.000 lao động).

Đối với quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực tại trụ cột kết nối, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về đầu tư, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư chung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách đầu tư nước ngoài, nỗ lực hỗ trợ các dự án đầu tư của Singapore tại Việt Nam.

5 trụ cột kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore - Ảnh 3.

Bộ trưởng thứ hai Bộ Công nghiệp và Thương mại kiêm Bộ trưởng Bộ Nhân lực Singapore, ông Tan See Leng phát biểu.

Việt Nam đề xuất Singapore phát triển và chuyển đổi các khu VSIP truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái (tích hợp yếu tố xanh tuần hoàn, thông minh, công nghệ cao và tiết kiệm năng lượng).

Bên cạnh đó, mở rộng và đầu tư vào các lĩnh vực chủ chốt và thuộc nhóm ưu tiên của Việt Nam như: điện tử chế tạo chíp, vật liệu bán dẫn, chế tạo thông minh, kỹ thuật số, cơ sở dữ liệu lớn, công nghệ cao, vật liệu mới, năng lượng sạch/tái tạo, công nghiệp hỗ trợ, thương mại điện tử, thành phố thông minh… hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành như dệt may, chế biến đồ gỗ, đóng tàu, phát triển hạ tầng công nghiệp, hóa chất, hóa dầu, khí tự nhiên, hóa lỏng.

Về giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đây là các lĩnh vực đóng vai trò quan trọng việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế hai nước, đề nghị Singapore nghiên cứu hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cán bộ quản lý của Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực.

Về thương mại, phía Việt Nam tiếp tục đề nghị phía Singapore xem xét mở rộng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như đã trao đổi tại Hội nghị lần thứ 16.

Đối với các lĩnh vực giao thông vận tải, du lịch và tài chính, phía Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Singapore trong việc nâng cao năng lực hàng không, hàng hải, đường bộ và logistics (dịch vụ hậu cần), phối hợp nghiên cứu để mở đường bay mới từ Singapore đến các điểm đến nổi bật của Việt Nam và ngược lại, hợp tác triển khai các chương trình xúc tiến du lịch, giới thiệu cho Việt Nam các đối tác tàu biển lớn để phát triển du lịch; đồng thời, đề xuất Singapore tiếp tục kết nối, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và tài chính/ngân hàng, đặc biệt chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế.

5 trụ cột kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore - Ảnh 4.

Hai Bộ trưởng chứng kiến ký kết và trao Biên bản hợp tác về đổi mới sáng tạo giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam và Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu Singapore (ASTAR)

Mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới

Tại hội nghị lần này, hai bên đã thông báo và trao đổi về các kết quả đạt được kể từ Hội nghị lần thứ 16 (Singapore, tháng 12/2022) đến nay. Đồng thời, thông báo cho nhau tình hình triển khai Bản ghi nhớ về Kinh tế số - Kinh tế xanh Việt Nam - Singapore đã được ký năm 2022.

Hai bên cũng đã thảo luận về phương hướng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như năng lượng, phát triển bền vững.

Thông qua Hội nghị Bộ trưởng về kết nối kinh tế Việt Nam – Singapore lần thứ 17, Việt Nam đã khẳng định các quan điểm và mối quan tâm của mình trong hợp tác kinh tế với Singapore nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước; đề nghị phía Singapore nỗ lực phối hợp triển khai, thực hiện các sáng kiến mới trong khuôn khổ Hiệp định kết nối; khuyến khích các doanh nghiệp Singapore đưa ra các đề xuất hợp tác mới và tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Cũng nhân dịp này, hai Bộ trưởng cũng đã chứng kiến lễ ký Biên bản hợp tác về đổi mới sáng tạo giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam và Trung tâm Công nghệ và Sản xuất tiên tiến (ARTC) thuộc Cơ quan khoa học, công nghệ và nghiên cứu (ASTAR) và lễ ký Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn YCH Group Pte. Ltd (Singapore) về hợp tác đào tạo thực tập sinh Việt Nam về lĩnh vực chuỗi cung ứng và logistics tại Việt Nam và Singapore. Hợp tác nghiên cứu thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo tại tỉnh Vĩnh Phúc./.