Kinh tế

Đắk Nông khai thác thế mạnh cây trồng địa phương

Kim Ngân 28/08/2023 05:00

Tỉnh Đắk Nông có nhiều cây trồng có ưu thế tại các địa phương. Tỉnh đang tập trung phát triển các loại cây trồng này thành sản phẩm hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập cho người dân.

dsc_9869(1).jpg
Người dân thôn 1, xã Cư K'nia (Cư Jút) thu hoạch lúa đông xuân năm 2023

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của Đắk Nông đang chuyển biến mạnh theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và phát huy lợi thế của địa phương.

Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp ngày càng được hoàn thiện. Ngành Nông nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị nông sản, chế biến sâu và xuất khẩu tăng dần.

Hiện nay, Đắk Nông có 4 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh; 2 sản phẩm nông nghiệp tiềm năng; 13 sản phẩm chủ lực địa phương. Nổi bật là cà phê, hồ tiêu, hạt điều, lúa gạo, bắp, khoai lang, đậu nành, đậu phộng, sầu riêng, bơ, cây ăn trái có múi, xoài, chanh dây, mắc ca...

dsc_9925(1).jpg
Người dân xã Đắk D'rông (Cư Jút) chăm sóc cây đậu phộng vụ hè thu

Các huyện, thành phố đều đã xác định đầy đủ các loại cây trồng chủ lực. Từ đó, quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng, kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Điều này giúp người dân thuận lợi hơn trong ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, giống mới vào sản xuất.

Gia đình ông La Đức Chính, xã Cư K’nia (Cư Jút), sản xuất trên 4 sào lúa nước. Trước đây, việc trồng lúa chủ yếu là lo cái ăn hàng ngày. Đến nay, nhờ áp dụng kỹ thuật, sử dụng giống mới, sản xuất lúa thương phẩm, ông Chính có nguồn thu nhập từ lúa.

Ông Chính cho biết: “Trồng lúa bây giờ không còn như trước đây nữa. Người dân được chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng các loại giống lúa mới có ưu thế, sản xuất theo hướng VietGAP, nên hiệu quả cao hơn”.

Còn gia đình ông Đàm Văn Đông, thôn 15, xã Đắk D’rông (Cư Jút) cũng sản xuất trên 3 sào lúa. Theo ông Đông, những năm qua, người dân trong xã được tham gia các mô hình thâm canh các giống lúa thuần cho năng suất, chất lượng cao.

Ông Đông cho hay: “Các mô hình sản xuất đã mang đến cho chúng tôi những giống lúa mới chất lượng, sạch bệnh. Điều này không những giúp bà con nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống mà từng bước hướng tới sản xuất lúa theo quy mô hàng hoá”.

Theo Sở NN – PTNT tỉnh Đắk Nông, hiện toàn tỉnh có 12.958 ha lúa, sản lượng đạt 92.794 tấn. Sản xuất lúa được các địa phương chú trọng phát triển theo chuỗi giá trị, gắn với phát huy những lợi thế của địa phương. Trong đó, vùng sản xuất lúa Buôn Choáh (Krông Nô) được công nhận là Vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC của tỉnh.

Bên cạnh cây lúa, các loại cây trồng khác như: bắp, khoai lang, đậu nành… đã tham gia sâu vào chuỗi liên kết, mang lại thu nhập cao cho người dân.

dsc_0718-1-.jpg
Khoai lang là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Tuy Đức

Đến nay, diện tích bắp trên địa bàn tỉnh đạt 8.511 ha, sản lượng 263.517 tấn/năm; khoai lang 6.608 ha, sản lượng đạt 98.330 tấn/năm; cây ăn trái đạt 18.031 ha, sản lượng 77.592 tấn/năm…

Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đó, nhiều sản phẩm chủ lực, đặc trưng được người dân áp dụng quy trình sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap, UTZ, 4C, HACCP… Cách làm này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín, giá trị sản phẩm nông sản của tỉnh Đắk Nông.

Để các sản phẩm chủ lực địa phương phát triển bền vững, tỉnh tiếp tục xây dựng các chính sách, chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, gắn sản xuất với tiêu thụ một cách bền vững.

Các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sẽ là cầu nối quan trọng tạo cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà phân phối và tiêu dùng.

Đắk Nông có 68 cơ sở áp dụng mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó, có 66 cơ sở, với 123 sản phẩm rau, củ, quả, dược liệu được cập nhật trên các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, các website…

Kim Ngân