Trung Quốc chi 14 tỷ USD cho Sáng kiến Phát triển toàn cầu
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 16:47, 25/08/2023
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc đối thoại. (Ảnh cắt từ clip của CCTV) |
Đây là thông tin được Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết trong bài phát biểu tại cuộc đối thoại các nhà lãnh đạo nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nam Phi) và các nền kinh tế mới nổi khác, các nước đang phát triển diễn ra tại Johannesburg, Nam Phi ngày 24/8.
Theo truyền thông Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh vai trò của sự phát triển đối với cuộc sống người dân các quốc gia cũng như cả nhân loại, trong bối cảnh năm nay là năm đánh giá giữa kỳ Chương trình nghị sự năm 2030 về Phát triển bền vững, trong đó, tiến độ thực hiện nhiều mục tiêu phát triển bền vững còn chậm, sự phát triển của toàn cầu đứng trước thách thức lớn.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế thúc đẩy đưa vấn đề phát triển quay trở về vị trí cốt lõi của chương trình nghị sự, nâng cao tính đại diện và tiếng nói của các quốc gia đang phát triển trong quản trị toàn cầu, kiên trì chủ nghĩa đa phương, xây dựng quan hệ đối tác phát triển toàn cầu, tạo ra môi trường quốc tế an toàn và ổn định cho sự phát triển chung.
Ông Tập Cận Bình cho biết, với việc đề ra Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Trung Quốc đã thúc đẩy hơn 200 dự án hợp tác với các đối tác, với nhiều cơ chế hợp tác trên các lĩnh vực giảm nghèo, giáo dục, y tế; đồng thời, hướng tới tăng cường động lực phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như phát triển xanh, công nghiệp hóa kiểu mới, kinh tế số, thúc đẩy xây dựng quan hệ đối tác trong cuộc cách mạng công nghiệp mới, phát triển với chất lượng cao.
Sáng kiến Phát triển toàn cầu (GDI) được Trung Quốc công bố năm 2021 tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, với 8 nội dung chính là: kiên trì ưu tiên cho phát triển, lấy người dân làm trung tâm, cùng có lợi và bao trùm, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực, con người và thiên nhiên chung sống hài hòa, đề cao định hướng hành động; hướng tới đẩy nhanh thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững.
Quỹ Phát triển toàn cầu và Hợp tác Nam-Nam (tiền thân là Quỹ Hỗ trợ hợp tác Nam-Nam ra đời năm 2015), được coi là công cụ chính để nước này thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, hỗ trợ các nước đang phát triển khác cùng nhau phát triển bền vững.