Vẫn còn hiện tượng chuối, xoài, mít, sầu riêng... xuất khẩu sang Trung Quốc, EU chưa tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:47, 24/08/2023
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay, sức hấp dẫn của các mặt hàng nông sản Việt Nam đối với nhiều thị trường trên thế giới ngày càng tăng. Đến nay, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng và 1.588 mã số cơ sở đóng gói nông sản được cấp. Các mã số này tập trung chủ yếu vào các sản phẩm xuất khẩu chính như: Xoài, thanh long, nhãn, lúa, sầu riêng.
Thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Newzealand và Úc là những thị trường có số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nhiều nhất. ĐBSCL vẫn là vùng dẫn đầu về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Mặc dù vậy, Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, bên cạnh việc đảm bảo đủ sản lượng cung ứng, thì vấn đề chất lượng và an toàn vệ sinh sản phẩm là yếu tố then chốt. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình trạng không tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh nông sản có nguồn gốc thực vật khi xuất khẩu đã gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam.
Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật liên tục nhận được thông báo của nước nhập khẩu liên quan đến việc không tuân thủ các yêu cầu về kiểm dịch thực vật (bao gồm các sản phẩm chuối, xoài, sầu riêng, mít, thanh long, nhãn… xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc) và có dư lượng hóa chất vượt quá quy định (sầu riêng, chôm chôm, ớt xuất khẩu sang Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay ớt đông lạnh xuất khẩu sang Hàn Quốc).
Các thông báo này cũng yêu cầu Việt Nam phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ các đối tượng kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất BVTV tồn dư trong nông sản của các lô hàng xuất khẩu…
Sầu riêng Việt Nam được thông báo có dư lượng hóa chất vượt quá quy định khi xuất khẩu sang EU.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, vi phạm kiểm dịch thực vật phát hiện trên nhóm hàng trái cây xuất khẩu chủ lực tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiệt hại khi Trung Quốc áp dụng kiểm soát chặt chẽ hơn, thậm chí không loại trừ tạm dừng nhập khẩu. Không chỉ có vi phạm quy định kiểm dịch thực vật, việc kiểm soát chất lượng trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc, cụ thể là sầu riêng, cũng đang là một vấn đề không thể lơ là, coi nhẹ.
Hiện, Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu nông sản Việt Nam nhiều nhất. Theo đó, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 5,2 tỷ USD. Với ngành hàng rau quả, 6 tháng đầu năm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu bứt phá sang thị trường Trung Quốc với 1,76 tỷ USD, tăng 121,9% so cùng kỳ năm 2022.
Riêng mặt hàng trái cây, Trung Quốc nhập khẩu nhiều thanh long, chuối, mít, xoài… Đặc biệt là sầu riêng, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 876 triệu USD, tăng tới 832 triệu USD so với 44,2 triệu USD của cùng kỳ năm 2022.
Đối với thị trường EU, theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), trong giai đoạn 2018-2022, nhập khẩu hàng rau, củ, quả của Liên minh châu Âu (EU) tăng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 4,9%/năm. Riêng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 112,9 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2021.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý và giám sát mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu và đa dạng hàng hóa; hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về mã số của các thị trường.
Đầu tư xây dựng và hoàn thành cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý vùng trồng, quản lý cơ sở đóng gói để kết nối với địa phương, các vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Cục Bảo vệ thực vật sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số tại các địa phương. Phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra kiểm dịch thực vật, kiểm soát an toàn hàng hóa và thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói liên quan tới lô hàng. Phát hiện, xử lý và thông báo kịp thời đối với các vi phạm.
Đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất và tuân thủ yêu cầu nước nhập khẩu. Theo dõi, giám sát và xử lý các loại sâu bệnh, đặc biệt là các loài gây hại mà nước nhập khẩu quan tâm.
Đồng thời, xây dựng và thực hiện nghiêm quy trình đóng gói theo nguyên tắc một chiều, truy xuất nguồn gốc. Đầu tư trang thiết bị để thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm đáp ứng quy định của nước nhập khẩu.
Ngoài ra, tổ chức liên kết chuỗi sản xuất thực chất từ vùng trồng - cơ sở đóng gói - cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật - doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm; tuân thủ yêu cầu của nước nhập khẩu và đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia.
Để đánh giá toàn diện thực trạng công tác quản lý mã số như công tác cấp phát mã số, kiểm tra, giám sát sau cấp, duy trì điều kiện của các vùng trồng và cơ sở đóng gói, từ đó chỉ ra những tồn tại và hạn chế cần khắc phục. Đồng thời, đưa ra các giải pháp cần tập trung giải quyết tình trạng không tuân thủ yêu cầu kiểm dịch thực vật, an toàn vệ sinh và các vi phạm trong sử dụng mã số như nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền địa phương; xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai có hiệu quả các giải pháp đã đề ra, sáng nay 24/8, tại Lạng Sơn, Bộ NNPTNT tổ chức "Hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói".
"Hội nghị tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói" được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với thu hút khoảng 300 khách mời đến từ các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị thuộc Cục Bảo vệ thực vật, các Sở Nông nghiệp và PTNT, các Chi cục Trồng trọt và BVTV của 63 tỉnh thành trong cả nước, các Hiệp hội ngành nghề liên quan, đại diện các vùng trồng, cơ sở đóng gói và các đơn vị xuất khẩu. Trong đó, một số tỉnh đã tổ chức các điểm cầu tập trung như An Giang, Bình Thuận, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai và Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam.