Đức khó đạt được mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nhà kính vào 2030
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 19:22, 22/08/2023
Ngày 22/8, Hội đồng Chuyên gia Khí hậu Cố vấn cho Chính phủ Đức nhận định ngay cả khi thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm phát thải theo kế hoạch đã đề ra, chênh lệch lượng khí thải nhà kính của Đức vào năm 2030 có thể vẫn lớn hơn so với mục tiêu mà chính phủ nước này đề ra.
Chênh lệch lượng khí thải nhà kính là mức chênh giữa mốc mục tiêu phát thải khí nhà kính toàn cầu (GHG) đề ra trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) hiện nay với mốc mà giới khoa học xác định cần đạt được vào năm 2030 để hạn chế nhiệt độ của Trái Đất tăng không quá 2 độ C, lý tưởng nhất là không quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Đức đặt mục tiêu vào năm 2030 giảm 65% lượng khí carbon dioxide (CO2) phát thải so với năm 1990. Trong năm ngoái, nước này ghi nhận lượng khí thải CO2 thấp hơn 40% so với năm 1990.
Trong báo cáo mới nhất, hội đồng chuyên gia trên nêu rõ kế hoạch của Chính phủ Đức giảm khí thải CO2 trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp đã thu được kết quả tích cực. Tuy nhiên, các nỗ lực trong lĩnh vực xây dựng và giao thông đang chậm lại.
Chủ tịch Hội đồng Hans-Martin Henning nhận định dường như Chính phủ Đức đã "quá lạc quan" về mục tiêu giảm tổng lượng khí thải CO2. Ngay cả khi mọi các biện pháp được thực hiện, mức chênh lượng khí CO2 trong lĩnh vực xây dựng đến năm 2030 là 35 triệu tấn.
Trong khi đó, lĩnh vực giao thông có thể không đạt được mục tiêu đề ra, với lượng khí thải tăng thêm là 117 triệu tấn, đưa đến mức chênh lệch có thể lên tới 191 triệu tấn.
Hội đồng trên cũng cho rằng Bộ Giao thông Đức "khá lạc quan" khi đưa ra những giả định về tính hiệu quả của các biện pháp đã hoạch định trong việc cắt giảm khí thải.
Báo cáo kết luận, trên thực tế, Đức đang thiếu một khái niệm tổng thể mạch lạc và nhất quán cũng như một khuôn khổ bao quát các biện pháp cắt giảm khí thải./.