Đời sống

Bà con dân tộc thiểu số ở Đắk Glong có cơ hội thoát nghèo từ học nghề

Thanh Hằng - Quang Vũ 23/08/2023 05:00

Các lớp dạy nghề cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đắk Glong thu hút đông người tham gia, góp phần hiệu quả vào công tác giảm nghèo của địa phương.

Nhiều lớp học nghề thiết thực

Đều đặn mỗi tối, H’Phương (18 tuổi), bon Phi Mur, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong lại sắp xếp công việc cá nhân để đến Trường THCS Nguyễn Du trên địa bàn xã tham gia lớp sơ cấp Tin học văn phòng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức.

day-nghe-1(1).jpg
H'Phương là học sinh trẻ nhất của lớp sơ cấp nghề Tin học văn phòng.

Vừa tốt nghiệp THPT được một tháng, H'Phương đã đăng ký tham gia ngay lớp học nghề tin học này khi biết mình thuộc đối tượng được ưu tiên đào tạo và hỗ trợ kinh phí. Chỉ ít ngày sau khi nộp hồ sơ, tháng 7 vừa qua, H'Phương cùng 34 học viên khác, phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số, chính thức trở thành học viên của lớp sơ cấp Tin học văn phòng.

H’Phương cho biết, trước đây em theo học Trường phổ thông DTNT THCS-THPT huyện Đắk Glong. Trong thời gian học tập tại trường, Phương đã được học môn tin học. Tuy nhiên, xác định đây là môn học có thể giúp ích được em trong thời gian tới, H'Phương đã đăng ký học thêm lớp sơ cấp, với mong muốn có thể sử dụng máy vi tính thành thạo và có thêm một chứng chỉ nghề.

H’Phương chia sẻ: “Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, bố em mới mất cách đây chưa lâu nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Được Nhà nước hỗ trợ, em đã đăng ký theo học lớp học nghề mỗi tối, hy vọng những kiến thức có được sẽ phục vụ công việc sau này của mình”.

day-nghe-3(1).jpg
Chị H'Dê (bên trái) tham gia lớp sơ cấp nghề Tin học văn phòng khi đã gần 40 tuổi.

Nếu như H’Phương - là học viên trẻ tuổi nhất lớp thì chị H’Dê (39 tuổi) cũng ở bon Phi Mur, xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong lại là học viên lớn tuổi nhất của lớp sơ cấp nghề Tin học văn phòng. Đi học khi các con đã lớn, công việc nương rẫy, nhà cửa lại bộn bề, thế nhưng trong suốt thời gian qua, chị H’Dê đều sắp xếp khoa học, chưa nghỉ một buổi học nào. Trái lại, nữ học viên này lại cảm nhận được rất nhiều niềm vui trước màn hình máy tính.

Chị H’Dê cho hay, trước đây chị chỉ được nhìn thấy máy vi tính trên ti vi chứ chưa có cơ hội được tận tay sử dụng. Chính sự tò mò đã thôi thúc chị H’Dê đăng ký tham gia học nghề tin học. Càng học, chị càng được mở mang kiến thức và có thể áp dụng vào thực tiễn của cuộc sống.

“Hiện nay, tôi có thể sử dụng máy vi tính để soạn thảo văn bản, đọc tài liệu về trồng và chăm sóc vật nuôi trong nhà. Tôi nghĩ người dân địa phương, nhất là những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên tham gia các lớp học nghề này. Kiến thức sẽ giúp mọi người trong làm ăn, phát triển kinh tế, từ đó bà con sẽ thoát nghèo hiệu quả”, chị H’Dê chia sẻ suy nghĩ của mình.

day-nghe-4(1).jpg
Trải qua một thời gian học, nhiều học viên đã tự tin sử dụng máy vi tính.

Được biết, ngoài lớp dạy Tin học văn phòng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Glong còn đang triển khai lớp Chăn nuôi - Thú y. Trước đó, Trung tâm đã tổ chức 2 lớp dạy nghề Dệt thổ cẩm tại xã Quảng Sơn (Đắk Glong), thu hút đông đảo người dân địa phương tham gia.

Rất nhiều học viên tham gia các lớp học nghề đánh giá, nội dung giảng dạy phù hợp với nhu cầu thực tế. Sau khi tham gia lớp học, trình độ canh tác, kỹ thuật sản xuất của học viên được nâng cao, rất thiết thực để áp dụng vào công việc hàng ngày, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của mỗi hộ gia đình.

Gắn đào tạo nghề với công tác giảm nghèo

Thời gian qua, huyện Đắk Glong luôn quan tâm nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. Địa phương khuyến khích và đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

day-nghe-2(1).jpg
Theo rà soát, nhiều người dân huyện Đắk Glong có nhu cầu học nghề, nhất là hộ nghèo để có thêm sinh kế phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Chị Đăng Lát Sarh, Trưởng Ban Công tác mặt trận bon Phi Mur cho rằng, là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, số người trong độ tuổi lao động nhiều, nhu cầu học nghề của người dân là rất cao. Thời gian qua, việc học nghề đã mang lại những hiệu quả bước đầu, từ đó thu hút người dân đăng ký theo học, góp phần thay đổi tư duy, tập quán canh tác….

“Trước đây do hoàn cảnh, nhiều người chưa học hết THCS, THPT nên rất khó để xin vào làm việc tại các doanh nghiệp mà chỉ làm công việc nương rẫy. Để người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên, nâng cao chất lượng cuộc sống, việc tổ chức các lớp học nghề rất có hiệu quả và mang ý nghĩa sâu sắc”, chị Đăng Lát Sarh chia sẻ.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Glong xác định, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững.

day-nghe-5.jpg
Hai lớp học Dệt thổ cẩm tại xã Quảng Sơn thu hút đông đảo người dân tham gia (Ảnh: Lê Vy).

Trong năm 2022, toàn huyện Đắk Glong tổ chức đào tạo được 11/13 lớp nghề (đạt 84,6% về số lớp), với 332 người (đạt 72,96% trên tổng số người theo kế hoạch), số người tốt nghiệp 296 người (đạt 89% trong tổng số người tham gia học). Sau khi tốt nghiệp, hơn 240 học viên đã tự tạo việc làm (đạt 82,7%), góp phần tăng năng suất lao động, thu nhập.

Cũng theo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Đắk Glong, đến hết tháng 7/2023, đơn vị đã tổ chức được 10 lớp học nghề, với hơn 310 học viên theo học.

Các khóa đào tạo đều gắn với khả năng thực tế của người lao động, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như thị trường lao động hiện nay. Đặc biệt, một số lớp học nghề thu hút đông đảo người dân (ngoài đối tượng được hỗ trợ) đăng ký tham dự, với mong muốn có thêm kiến thức để áp dụng vào sản xuất của gia đình.

Thanh Hằng - Quang Vũ