Đời sống

Trúc Sơn thiếu nước sản xuất giữa mùa mưa

Mỹ Hằng 22/08/2023 05:00

Cánh đồng Ngàn Phương 2, xã Trúc Sơn (Cư Jút) rộng khoảng 30 ha. Do không có công trình thủy lợi, hằng năm, chỉ khi đến mùa mưa, người dân mới trồng được một vụ lúa. Nhưng năm nay thì khác, người dân thiếu nước sản xuất giữa mùa mưa.

Hơn 10 ngày trời nắng liên tục, 2 sào lúa của bà Nông Thị Huế, thôn 5, xã Trúc Sơn bắt đầu héo úa. Lúa hiện đang làm đòng - là giai đoạn cần nhiều nước nhất nhưng lại gặp hạn, bà Huế như đang ngồi trên lửa. Nếu trong vài ngày nữa, trời không mưa, ruộng thiếu nước thì 2 sào lúa của bà Huế có nguy cơ mất trắng, đồng nghĩa với việc, gia đình bà phải đi mua gạo về sử dụng trong một năm tới.

Theo bà Huế, hơn 20 năm canh tác lúa trên cánh đồng này, bà cũng như nhiều nông dân khác cảm nhận được sự thay đổi của thời tiết. Hạn hán, thiếu nước diễn ra thường xuyên hơn, nên bà và mọi người phải chủ động tìm các giống lúa chịu hạn tốt đưa vào sản xuất. Tuy nhiên, do phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa nên năm nào năng suất lúa cũng chỉ đạt từ 2-3 tạ/sào.

Bà Nông Thị Huế cho biết: “Cánh đồng rộng thế này nhưng chỉ trông chờ vào nước mưa để sản xuất. Những hộ dân nào có ruộng gần nhà thì có thể bơm nước vào ruộng lúa, còn ruộng nhà tôi xa quá, không thể dẫn nước về được. Cũng biết làm ruộng vất vả, nhưng nếu không làm thì nhà phải đi mua gạo để ăn còn tốn kém hơn”.

lua-thieu-nuoc-1(1).jpg
Do thiếu nước nên 2 sào lúa của bà Nông Thị Huế ở thôn 5, xã Trúc Sơn bắt đầu héo úa.

May mắn hơn các hộ khác, anh Thạch Trung Hải, thôn 5 có 3 sào lúa trồng cạnh nhà nên mỗi khi gặp hạn, anh bơm nước giếng để tưới. Tuy nhiên, ở vùng đất cằn cỗi, khó khăn về nước tưới quanh năm như Trúc Sơn, nước giếng cũng chỉ bơm tưới cầm chừng, không thể cung cấp đủ cho lúa phát triển tốt. Vì thế, năm nào năng suất lúa của gia đình anh cũng chỉ đạt từ 3-4 tạ/sào.

Anh Hải cho hay: “Nông dân chúng tôi làm lúa nhưng chí phí đầu tư rất lớn, ngoài tiền giống, phân bón thì còn có cả tiền bơm nước về ruộng. Mong muốn lớn nhất của các hộ dân chúng tôi là sớm có hồ chứa nước để bà con tưới tiêu, sản xuất”.

lua-thieu-nuoc-2(1).jpg
Anh Thạch Trung Hải phải dùng nước giếng để tưới cho lúa.

Không riêng anh Hải, bà Huế, việc sản xuất trên cánh đồng Ngàn Phương 2 tất cả phụ thuộc vào thời tiết. Không có công trình thủy lợi, người dân chỉ tận dụng nước trời hoặc bơm nước từ giếng khoan để trồng lúa. Do đó, mong muốn của anh Hải, bà Huế cũng là suy nghĩ chung nhiều hộ dân về một dự án cấp nước sản xuất cho cánh đồng Ngàn Phương 2.

Theo UBND xã Trúc Sơn, nguồn nước tưới của toàn bộ cánh đồng Ngàn Phương 2 phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa vì thế năng suất thấp, thậm chí có những năm mất trắng do hạn hán. Dù sản xuất lúa không mang lại hiệu quả, ổn định, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp nào thích hợp do đất đai cằn cỗi, thiếu nước quanh năm. Ông Lã Thái Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Trúc Sơn thông tin, là một trong số những địa phương thường xuyên thiếu nước sản xuất nên xã Trúc Sơn đã khuyến cáo người dân thay đổi sang các giống lúa ngắn ngày, chịu hạn tốt. Về lâu dài, địa phương tính đến phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

"Mặc dù sản xuất lúa không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro nhưng nông dân không thể bỏ hoang vì dù ít hay nhiều, trồng lúa mới giải quyết được vấn đề lương thực tại chỗ, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, chính quyền địa phương mong muốn có công trình thủy lợi để bảo đảm nước tưới cho sản xuất", ông Lã Thái Sơn bày tỏ.

Mỹ Hằng