Đời sống

Truyền thanh cơ sở ở Đắk Song khó khăn trong hoạt động

Mỹ Hằng 22/08/2023 05:00

Tại huyện Đắk Song, hệ thống đài truyền thanh cơ sở đang đứng trước nhiều khó khăn về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị.

Năm 2014, xã Đắk N’Drung được đầu tư hệ thống Đài truyền thanh bao gồm máy phát với tần số phát 67,7 Mhz cùng các thiết bị kèm theo và 11 cụm loa phân bố ở 10 thôn, bon.

Từ khi có trạm thu phát sóng truyền thanh, việc chuyển tải các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước, địa phương đến người dân trên địa bàn thuận lợi hơn nhiều.

Trung bình mỗi ngày, địa phương phát sóng khoảng 2 giờ/ngày, ngoài tiếp sóng các chương trình của Đài truyền thanh huyện, Đài PT-TH tỉnh, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền thanh xã Đắk N'Drung còn sản xuất bản tin phản ánh các hoạt động của địa phương.

Năm 2017, do bị lệch tần số, dù đã được cơ quan chức năng cấp nhưng máy thu phát sóng FM không hoạt động. Xã được nâng cấp, đầu tư hệ thống angten cao 21m, nhưng do các cụm loa đều lắp đặt lâu năm, bị hư hỏng nặng không thể sửa chữa. Việc thu phát sóng bị ngưng không hoạt động từ đó đến nay.

Anh Điểu Khiêm, cán bộ văn hóa kiêm phụ trách quản lý loa truyền thanh của xã Đắk N’Drung cho biết: “Tôi mong muốn các cấp quan tâm nâng cấp để hệ thống truyền thanh cơ sở được vận hành tốt hơn, thực hiện tốt vai trò đưa thông tin đến người dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần".

dakrung-1-.jpg
Hệ thống Đài truyền thanh xã Đắk N'Drung hư hỏng và không hoạt động từ nhiều năm nay.

Tương tự, năm 2014, xã Trường Xuân được đầu tư máy phát tần số phát 105 Mhz, với công suất 60w và 20 cụm loa lắp đặt tại các thôn, bon. Tuy nhiên, do tần số vô tuyến điện cao, nên không phát huy hiệu quả và ngưng hoạt động từ nhiều năm nay. Điều này, ảnh hưởng rất nhiều trong việc truyền tải, cung cấp văn bản, thông tin đến người dân trên địa bàn.

Mỗi khi có việc cần thông báo đến người dân, cán bộ văn hóa xã phải gọi điện thoại cho các trưởng thôn, bon, nếu không liên lạc được phải trực tiếp chạy xe máy đến tận nơi tìm người để truyền miệng. Sau đó, trưởng thôn tiếp nhận thông tin đi gõ cửa từng nhà để thông báo.

Theo thống kê, toàn huyện Đắk Song hiện có 1 đài truyền thanh huyện, với 11 cụm loa; 9 đài truyền thanh xã, thị trấn, với 121 cụm loa (trong đó 99 cụm loa không dây và 12 cụm loa thông minh) được lắp đặt tại các thôn, bon, buôn, bản.

Sau nhiều năm hoạt động, đến nay các cụm loa truyền thanh này đã bị hư hỏng. Trong đó, 3 Đài truyền thanh xã Đắk N’Drung, Trường Xuân và thị trấn Đức An không hoạt động.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do kinh phí cấp cho hoạt động truyền thanh xã, thị trấn còn hạn chế. Các trang thiết bị được đầu tư từ lâu, lạc hậu, xuống cấp. Phần lớn các đài truyền thanh xã không được bố trí phòng làm việc riêng mà sắp xếp chung với các tổ chức đoàn thể nên việc quản lý, bảo quản gặp nhiều khó khăn. Một số xã dù có thiết bị tiếp sóng nhưng hệ thống loa ở các thôn, bon quá ít, trong khi đó địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung nên việc tiếp nhận thông tin không được đầy đủ.

Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ đài truyền thanh xã chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nên kỹ năng khai thác thông tin, viết bản tin và chất lượng của chương trình truyền thanh không cao. Mỗi khi máy móc bị hư hỏng cũng không thể tự khắc phục được…

Theo ông Mai Quốc Nhàn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao -và Truyền thông huyện Đắk Song, hệ thống truyền thanh cơ sở bị hư hỏng, không phát huy được hiệu quả là thực trạng chung của huyện Đắk Song.

Để khắc phục tình trạng trên, Trung tâm đã có văn bản chỉ đạo các đài truyền thanh xã tiến hành rà soát, kiểm tra thực trạng, thống kê lại hệ thống truyền thanh cơ sở. Trên cơ sở đó, đề xuất, tham mưu với huyện đầu tư kinh phí, sửa chữa.

Cùng với tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, cách khai thác, viết tin cho các cán bộ phụ trách, các cấp, ngành, địa phương quan tâm đầu tư, bố trí kinh phí để nâng cấp bảo trì sửa chữa loa, đài bị hư hỏng và lắp thêm một số cụm loa mới tại các xã để người dân có thể nắm bắt thông tin kịp thời.

Mỹ Hằng