Một xã ở Tây Ninh trồng cây đặc sản gì mà hái trái bán, cứ 1ha lãi tới 900 triệu, dân giàu lên thấy rõ?
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:14, 12/08/2023
Tổng kết vụ sầu riêng năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh thống kê, tính đến tháng 6/2023, diện tích trồng sầu riêng toàn tỉnh đạt 3.150ha.
Trong đó, diện tích sầu riêng đang cho trái là 1.900ha, năng suất sầu riêng bình quân ước đạt 15 tấn/ha (có vườn đạt 25-30 tấn/ha), sản lượng sầu riêng 28.500 tấn.
Về giá sầu riêng bán, nếu chưa phân loại sầu riêng có giá bình quân 53.000 đồng/kg. Giá sầu riêng đã phân loại, loại 1: từ 63.000-70.000 đồng/kg, loại 2: từ 45.000-58.000 đồng/kg, loại 3: 30.000 đồng/kg. Thu nhập bình quân của người trồng sầu riêng ước đạt 795 triệu đồng/ha, có vườn đạt hơn một tỷ đồng/ha.
Đạt kết quả phấn khởi trên, nhiều năm qua, Đảng ủy, UBND xã Bàu Đồn đã định hướng cho người dân chuyển đổi cây trồng. Từ sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, chuyển sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn và được người dân đồng tình ủng hộ chuyển từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái và trồng sầu riêng. Về địa lý, Bàu Đồn có nguồn nước ngọt quanh năm từ các nguồn sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng chảy về nên chất lượng trái đồng đều, cơm thơm béo và múi vàng hạt lép nên được tiêu thụ tại nhiều nơi trong cả nước.
Từ năm 2018, để từng bước tập hợp, liên kết những người trồng sầu riêng trên địa bàn theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tiến tới tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững, UBND xã Bàu Đồn đã thành lập các tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái, cây công nghiệp.
Khi các tổ hợp tác dần đi vào hoạt động ổn định, địa phương chủ trương sáp nhập các tổ, thành lập Hợp tác xã Cây ăn trái Bàu Đồn.
Điều này, nhằm tạo chuỗi liên kết đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật trồng sầu riêng, tổ chức thu mua, bao tiêu trái sầu riêng, xây dựng thương hiệu, tìm thị trường đầu ra bền vững. Nhờ đó, nông dân xã này đã trồng đến 1.000ha sầu riêng; trong đó, 800ha đang cho trái, doanh thu năm 2023 hơn 640 tỷ đồng.
Hiện nay, diện tích trồng sầu riêng tại tỉnh Tây Ninh khoảng 3.150ha. Nhờ trồng sầu riêng, trồng sầu riêng theo mã vùng trồng mà nhiều nông dân Tây Ninh đang giàu lên, chuyện thu tiền tỷ từ sầu riêng không còn hiếm...
Theo ông Phan Hoài Thịnh, Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn trái Bàu Đồn, hợp tác xã hiện có 32 thành viên sản xuất trên 40ha, chủ yếu là sầu riêng. Từ năm 2021, đơn vị đăng ký vùng trồng, mã QR nhãn hiệu sầu riêng.
Nhờ vậy, nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm cây ăn trái, trong đó có trái sầu riêng ở Bàu Đồn. Đặc biệt trái sầu riêng do hợp tác xã sản xuất được tỉnh Tây Ninh và ngành nông nghiệp quan tâm quảng bá rộng rãi.
Nhờ có tem nhãn, mã QR, người tiêu dùng có thể nhận biết được trái sầu riêng do hợp tác xã phân phối, cũng như biết được loại trái cây này có xuất xứ từ Bàu Đồn. Hiện tại, trái sầu riêng Bàu Đồn đã có mặt tại các cửa hàng, siêu thị trên toàn quốc.
Tận mắt chứng kiến nông dân của hợp tác xã thu hái 15-17 tấn trái sầu riêng/ngày; tận hưởng tại chỗ múi sầu riêng vàng ửng, ngọt thơm, cơm vừa khô mà không bị nhão, bà Phan Thu Thắm, một nhà buôn bán trái cây lớn cho biết: Khách hàng của tôi ở miền ngoài và tận Trung Quốc đều thích chất lượng cơm sầu riêng Ri6, Monthong ở Bàu Đồn.
Không chỉ ngon, sạch, nhờ chăm sóc tốt và áp dụng kỹ thuật hiệu quả, các vườn sầu riêng đều cho trái đạt yêu cầu, kích cỡ đều, chất lượng không thua nơi nào.
Còn theo nông dân Nguyễn Thị Gái (ấp 6, xã Bàu Đồn, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh), bà trồng gần 1ha cây sầu riêng Ri6 và đang vào mùa thu hoạch. Từ đầu tháng 4 đến nay, bà đã bán hơn 7 tấn sầu riêng, giá 60.000-70.000 đồng/kg.
Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Đồn Nguyễn Văn Dũng cho biết: Tuy được mùa, được giá nhưng khi đầu vụ, giá sầu riêng bán ra tương đối cao, từ 60.000-70.000 đồng/kg; giữa vụ giá giảm xuống khoảng 40.000-50.000 đồng/kg nên giá cả có phần thất thường.
Cạnh đó, các thương lái đặt cọc nhưng khi giá bán sầu riêng bị xuống thì họ bỏ cọc, gây tâm lý bất ổn cho người trồng. UBND xã Bàu Đồn sẽ tăng cường tuyên truyền vận động người dân tiến tới làm kinh tế hợp tác, tránh bị thương lái ép giá, thuận tiện hơn trong quá trình liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh là ông Nguyễn Đình Xuân nhận xét: Nhằm hỗ trợ nông dân có đầu ra bền vững thông qua xuất khẩu trái cây, tỉnh đang duy trì hoạt động cấp 14 mã số vùng trồng xuất khẩu trái cây (trong đó có sầu riêng) sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU và đang chờ phản hồi phê duyệt mã số của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Ngoài ra, đã hoàn chỉnh hồ sơ vùng trồng gửi Cục Bảo vệ thực vật duyệt mã số để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc năm vùng trồng sầu riêng, với diện tích 151ha. Hiện tỉnh cũng đang bổ sung thông tin để hoàn chỉnh năm hồ sơ vùng trồng, diện tích 200ha.