Hàn Quốc công bố thông tin về tập trận Lá chắn Tự do Ulchi
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 09:40, 20/08/2023
Pháo tự hành K-9 của Hàn Quốc được triển khai tại khu vực liên Triều ở Paju, cách Seoul khoảng 30km về phía Bắc, chuẩn bị cho cuộc tập trận chung Lá chắn Tự do Ulchi giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc, ngày 18/8/2022. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Theo hãng tin Yonhap, Hàn Quốc và Mỹ chuẩn bị khởi động các cuộc tập trận quân sự chung quy mô lớn vào tuần tới, trong bối cảnh hai nước đồng minh này tìm cách tăng cường khả năng sẵn sàng phối hợp chống lại các mối đe dọa quân sự gia tăng từ Triều Tiên.
Cuộc tập trận thường niên Lá chắn Tự do Ulchi (UFS), dựa trên kịch bản chiến tranh tổng lực, sẽ diễn ra từ ngày 21-31/8, bao gồm nhiều cuộc tập trận ứng phó với các tình huống bất ngờ, chẳng hạn như diễn tập chỉ huy dựa trên mô phỏng máy tính, huấn luyện đồng thời trên thực địa và diễn tập phòng thủ dân sự Ulchi.
Theo một quan chức của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), khoảng 30 sự kiện huấn luyện thực địa giữa hai nước đồng minh dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian tập trận, so với 25 sự kiện trong cuộc tập trận Lá chắn Tự do mùa Xuân năm nay và 13 sự kiện trong UFS năm ngoái.
Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên khai thác thông tin mật
Trong khi đó, theo Reuters, Cảnh sát Hàn Quốc ngày 20/8 cho rằng các tin tặc bị nghi là của Triều Tiên đã tìm cách khai thác cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc vào tuần tới, mặc dù thông tin mật không bị xâm phạm. Bình Nhưỡng phản đối các cuộc tập trận như vậy.
Theo Cơ quan Cảnh sát tỉnh Gyeonggi Nambu, các tin tặc được cho là có liên quan đến một nhóm tên là Kimsuky của Triều Tiên, và đã thực hiện vụ tấn công qua email nhằm vào các nhà thầu Hàn Quốc làm việc tại trung tâm mô phỏng tập trận chung Hàn-Mỹ.
Trong một tuyên bố ngày 20/8, Cảnh sát Hàn Quốc nêu rõ: "Chúng tôi xác nhận rằng thông tin liên quan đến quân sự không bị đánh cắp."
Trước đây, Triều Tiên đã phủ nhận mọi cáo buộc liên quan các cuộc tấn công mạng.
Theo các nhà nghiên cứu, nhóm tin tặc Kimsuky từ lâu đã sử dụng các email lừa đảo, nhằm dụ các mục tiêu cung cấp mật khẩu, truy cập vào tệp đính kèm hoặc liên kết tải phần mềm độc hại.
Cảnh sát Hàn Quốc và quân đội Mỹ đã tiến hành điều tra chung và phát hiện địa chỉ IP được sử dụng trong cuộc tấn công mạng trùng khớp với địa chỉ được xác định trong vụ việc tương tự năm 2014 nhắm vào nhà điều hành lò phản ứng hạt nhân của Hàn Quốc. Khi đó, Hàn Quốc cũng cáo buộc Triều Tiên đứng sau vụ tấn công mạng./.