Chính trị

Nhà lãnh đạo tiêu biểu nhất của chính sách đại đoàn kết của Đảng

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Dung (TTXVN/Vietnam+) 19/08/2023 09:25

TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết "Đồng chí Tôn Đức Thắng - Nhà lãnh đạo tiêu biểu nhất của chính sách đại đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh" của Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Dung.

ttxvn_chu_tich_ton_duc_thang_2.jpg
Chủ tịch Tôn Đức Thắng thăm nhà trẻ 20/10 Hà Nội nhân dịp Tết Trung Thu (26/09/1977). (Ảnh: Kim Hùng/TTXVN)

Ngày 20/8 đánh dấu kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2023), nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và cách mạng Việt Nam, người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng.

Nhân dịp này, TTXVN trân trọng giới thiệu bài viết "Đồng chí Tôn Đức Thắng - Nhà lãnh đạo tiêu biểu nhất của chính sách đại đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh" của Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Dung, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Bài viết sẽ giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân phần nào hiểu rõ hơn về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng; góp phần giáo dục cho các thế hệ trẻ về tấm gương của người cộng sản kiên trung, mẫu mực, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Sau đây là nội dung bài viết:

Với 92 tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng, trong đó có hơn 30 năm làm công tác Mặt trận, đồng chí Tôn Đức Thắng đã có cống hiến to lớn cho sự nghiệp xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng chí là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Củng cố khối đại đoàn kết dân tộc

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công chưa được bao lâu, đất nước ta lại ở trong tình thế vô cùng phức tạp và khó khăn, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề đại đoàn kết dân tộc, làm thế nào để chiến lược đại đoàn kết lâu dài, vững chắc và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trước khi lên đường sang thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Tôn Đức Thắng cần mở rộng Mặt trận Dân tộc Thống nhất, củng cố khối đoàn kết toàn dân làm hậu thuẫn cho chính quyền mới.

Thực hiện nhiệm vụ Người giao, đồng chí Tôn Đức Thắng đã khẩn trương chuẩn bị về mọi mặt cho sự ra đời của một tổ chức Mặt trận mới. Một Ban vận động thành lập Mặt trận mới được hình thành, gồm 25 người, có đầy đủ đại diện các tổ chức chính trị, các đảng phái, tôn giáo, dân tộc.

Ngày 29/5/1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam được thành lập (gọi tắt là Hội Liên Việt) do nhân sỹ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng làm Hội trưởng, đồng chí Tôn Đức Thắng là Phó Hội trưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử làm Hội trưởng danh dự. Đây là một sự kiện chính trị quan trọng, mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc.

Là Phó Chủ tịch Hội, đồng chí Tôn Đức Thắng dành tất cả trí lực vào xây dựng Hội ngày càng vững mạnh, thu hút đông đảo đồng bào yêu nước tham gia, bởi vì ông cho rằng muốn kháng chiến lâu dài tới thắng lợi cuối cùng thì cần phải động viên hết thảy lực lượng tham gia, phải có niềm tin mãnh liệt vào lòng yêu nước cũng như sức mạnh của nhân dân được tổ chức lại.

Để tập hợp, đoàn kết các tầng lớp yêu nước vào Hội Liên Việt, đồng chí Tôn Đức Thắng quan tâm, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, tạo điều kiện để các nhà buôn, nhà công nghiệp, các văn nghệ sỹ, các thân sỹ yêu nước đóng góp cho kháng chiến.

Bằng đức độ và uy tín của mình, đồng chí Tôn Đức Thắng đã thổi vào lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết của mỗi người dân một sinh khí mới, biến những giá trị của truyền thống yêu nước, đoàn kết thành lực lượng vật chất có sức mạnh vô địch, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng vừa mới giành được.

Tháng 4/1947, Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam Huỳnh Thúc Kháng qua đời. Đồng chí Tôn Đức Thắng làm Quyền hội trưởng Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam.

Thực hiện chủ trương của Đảng, “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc," đồng chí Tôn Đức Thắng vừa tích cực hoạt động mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, trực tiếp triển khai phong trào thi đua ái quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động (đồng chí là Trưởng ban Trung ương vận động Thi đua ái quốc); vừa là người tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về thống nhất Hội Liên Việt với Mặt trận Việt Minh.

Tháng 3/1951, Hội Liên Việt với Mặt trận Việt Minh thống nhất thành Mặt trận Liên Việt, đồng chí Tôn Đức Thắng trở thành Chủ tịch Mặt trận Liên Việt. Hoạt động của Mặt trận Liên Việt đã có những bước phát triển mới về số lượng và chất lượng, góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, để Đảng có thể chuyển cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới, đi tới kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, với hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau ở hai miền. Để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ đó, Đảng ta xác định “mở rộng và củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất trong toàn quốc, tập hợp mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình, từ Bắc đến Nam, tranh thủ bất cứ người nào ta có thể tranh thủ, trung lập bất cứ người nào ta có thể trung lập, khắc phục mọi trở lực trong và ngoài nước."

Tại Hội nghị Hội nghị đại biểu Mặt trận Liên Việt toàn quốc để kiểm điểm lại chính sách của Mặt trận trong kháng chiến (7/1/1955), đồng chí Tôn Đức Thắng, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt đã đọc bản Báo cáo chính trị, khái quát những thành tựu quan trọng mà Mặt trận Liên Việt đã đạt được trong chín năm kháng chiến, rút ra những bài học kinh nghiệm để củng cố, mở rộng Mặt trận trong tình hình mới.

Đồng chí đã phân tích những biến đổi của tình hình trong nước và quốc tế sau Hiệp định Geneva, trên cơ sở đó, chỉ ra những nhiệm vụ để tăng cường khối đoàn kết toàn dân, đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định, chống mọi âm mưu chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, chuẩn bị các mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để xây dựng đất nước. Báo cáo của đồng chí Tôn Đức Thắng đã được các đại biểu dự Hội nghị tán thành và trở thành quan điểm chỉ đạo công tác Mặt trận trong tình hình mới.

Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ tám (8/1955) về công tác mặt trận, trên cương vị Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, đồng chí Tôn Đức Thắng đã chỉ đạo Mặt trận tiến hành chuẩn bị và mở Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc.

Tại Đại hội Mặt trận lần thứ nhất (9/1955), Chủ tịch Tôn Đức Thắng đọc diễn văn khai mạc Đại hội, nêu rõ sự cần thiết phải tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Đại hội đã thảo luận thông qua dự thảo Cương lĩnh, Điều lệ mới và quyết định tên mới của Mặt trận Dân tộc thống nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội đã bầu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

ttxvn_chu_tich_ton_duc_thang_3.jpg
Chủ tịch Tôn Đức Thắng hỏi thăm cụ Nguyễn Thị Hun (HTX Việt Trung, ngoại thành Hà Nội), 77 tuổi, có 1 con và 1 cháu đang tham gia kháng chiến chống Mỹ, ngày 1/1/1970. (Ảnh: TTXVN)

Sự ra đời của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một sự kiện chính trị trọng đại, đặt nền móng vững chắc cho khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Tôn Đức Thắng đã cùng Mặt trận sáng tạo ra nhiều hình thức hoạt động để kêu gọi các tầng lớp nhân dân ở miền Bắc đấu tranh đòi mở Hội nghị hiệp thương, tiến tới thống nhất nước nhà, động viên nhân dân thi đua lao động sản xuất, công tác, lấy thành tích để ủng hộ Bản Cương lĩnh của Mặt trận.

Trong những năm 1961-1969, đồng chí Tôn Đức Thắng đã có nhiều chuyến khảo sát thực tiễn, động viên mọi tầng lớp nhân dân thi đua ái quốc, đoàn kết góp phần xây dựng và phát triển đất nước ở miền Bắc.

Đối với cách mạng miền Nam, đồng chí Tôn Đức Thắng luôn dành tình cảm quan tâm đặc biệt, góp sức cùng Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam. Năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đồng chí Tôn Đức Thắng hết sức vui mừng, đã gửi điện chúc mừng Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, nói rõ mong muốn được gặp mặt để trao đổi, bàn bạc tiến hành công tác Mặt trận.

Từ năm 1960 đến năm 1964, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cử nhiều cán bộ về miền Nam công tác, bổ sung cho đội ngũ cán bộ Mặt trận.

Năm 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, được thành lập do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch. Đồng chí Tôn Đức Thắng hoàn toàn nhất trí với Bản Cương lĩnh chính trị của Liên minh. Đây là một thắng lợi rực rỡ của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân đoàn kết chống Mỹ, cứu nước.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các tổ chức mặt trận đã thống nhất thành một tổ chức mặt trận chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Với những cống hiến xuất sắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, mặc dù tuổi cao sức yếu, đồng chí được vẫn được bầu làm Chủ tịch danh dự Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Làm phong phú thêm tư tưởng của Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc

Là người tổ chức, xây dựng và phát triển Mặt trận dân tộc thống nhất, đồng chí Tôn Đức Thắng đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc củng cố, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng chí đã vận dụng đúng đắn tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh trong thực tiễn, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, dân tộc và dân chủ, đồng thời góp phần làm phong phú thêm tư tưởng của Hồ Chí Minh. Thể hiện trên một số điểm sau:

Một là, quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh “Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”, đồng chí Tôn Đức Thắng nêu rõ cơ sở xã hội của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam chính là nhân dân Việt Nam, sự tập hợp, đoàn kết và thống nhất trong tất cả các lực lượng yêu nước ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài, trên cơ sở liên minh công- nông-trí, liên minh với tất cả các tầng lớp nhân dân, vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

ttxvn_chu_tich_ton_duc_thang_1.jpg
Chủ tịch Tôn Đức Thắng gặp gỡ Đoàn đại biểu thanh niên '5 xung phong' miền Nam, do Anh hùng Lực lượng Vũ trang Giải phóng Phan Hành Sơn dẫn đầu, ra Hà Nội dự Đại hội 'Ba sẵn sàng' toàn miền Bắc, ngày 12/5/1973. (Ảnh: Ngọc Khanh/TTXVN)

Hai là, quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”, đồng chí Tôn Đức Thắng cho rằng, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là một bảo đảm vững chắc trong việc định hướng đi đúng đắn của Mặt trận và cơ sở niềm tin để Mặt trận hoạt động có kết quả trong mọi hoàn cảnh của đất nước.

Đồng chí thường nói: “Sức mạnh của Đảng là tổ chức, toàn Đảng chỉ có một ý chí là sự đoàn kết nhất trí trên cơ sở đường lối chính trị và những nguyên tắc tổ chức của Đảng."

Hơn 30 năm liên tục làm công tác Mặt trận, đồng chí Tôn Đức Thắng đã có cống hiến to lớn với nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Với nhân cách cao thượng, một tấm gương sáng về đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, đồng chí, là trung tâm tập hợp đoàn kết của Mặt trận dân tộc thống nhất. Đồng chí xứng đáng “là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh”./.

PGS-TS Nguyễn Thị Kim Dung (TTXVN/Vietnam+)