Chương mới trong quan hệ đồng minh

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 07:26, 19/08/2023

Ngày 18/8, cuộc gặp cấp cao lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng với người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida diễn ra tại Trại David, bang Maryland của Mỹ trong hội nghị thượng đỉnh ba bên.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden, và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (từ trái qua phải) tại cuộc họp báo chung ở cuộc gặp ba bên tại Trại David (Maryland, Mỹ) ngày 18/8/2023. (Ảnh: REUTERS)
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden, và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (từ trái qua phải) tại cuộc họp báo chung ở cuộc gặp ba bên tại Trại David (Maryland, Mỹ) ngày 18/8/2023. (Ảnh: REUTERS)

Với những sáng kiến đầy tham vọng nhằm duy trì đà tiến triển trong quan hệ Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc, hội nghị đánh dấu thời đại mới trong quan hệ hợp tác giữa ba đồng minh.

Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 2015 các nhà lãnh đạo nước ngoài đến thăm Trại David, khu nghỉ dưỡng của tổng thống Mỹ gần thủ đô Washington.

Đây cũng là lần đầu tiên Tổng thống Biden chào đón các nhà lãnh đạo nước ngoài đến Trại David kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2021, đồng thời là hội nghị thượng đỉnh độc lập đầu tiên giữa ba nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật-Hàn. Trước đó, các nhà lãnh đạo của ba nước đã gặp nhau tổng cộng 12 lần nhưng đều là sự kiện bên lề các hội nghị quốc tế khác, lần đầu tiên là tại Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 1994.

Đây là dịp để ba nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật-Hàn nhất trí về cách thức nhằm thể chế hóa hơn nữa cơ chế khung quan trọng về hợp tác an ninh giữa ba quốc gia đồng minh.

Đây là dịp để ba nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật-Hàn nhất trí về cách thức nhằm thể chế hóa hơn nữa cơ chế khung quan trọng về hợp tác an ninh giữa ba quốc gia đồng minh.

Theo đó, nội dung các cuộc thảo luận hoàn toàn tập trung đưa ra những biện pháp quyết đoán hướng tới mục tiêu cải thiện hợp tác theo định dạng ba bên, trong đó có các bước đi bao gồm việc thường xuyên tổ chức các cuộc họp giữa các quan chức cấp cao của ba nước.

Các nhà lãnh đạo cũng thảo luận những vấn đề ưu tiên khác mà ba nước cùng quan tâm như an ninh kinh tế, công nghệ mới nổi, hỗ trợ nhân đạo và các chương trình phát triển. Điều phối viên phụ trách truyền thông chiến lược của Hội đồng An ninh Quốc gia thuộc Nhà trắng John Kirby tuyên bố, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn sẽ nâng quan hệ hợp tác ba bên lên tầm cao mới.

Hợp tác ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng trở nên quan trọng hơn so với trước đây, trong bối cảnh ba quốc gia nhất trí phối hợp vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời một lần nữa khẳng định sự đoàn kết ba bên trong việc đối phó các mối đe dọa an ninh khu vực.

Đánh giá đây là mối quan hệ ba bên hết sức quan trọng đối với thế kỷ 21, tại cuộc gặp này, các nhà lãnh đạo ba nước đưa ra những sáng kiến chung về công nghệ và quốc phòng. Thông qua hội nghị, các nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật-Hàn thảo luận về một tầm nhìn chung và các nguyên tắc cơ bản trong hợp tác ba bên, cũng như xây dựng các cơ chế hợp tác toàn diện, đa tầng trong nhiều lĩnh vực khác nhau và ở mọi cấp độ.

Bên cạnh đó, ba nhà lãnh đạo cũng thảo luận về các biện pháp để hợp tác thúc đẩy thịnh vượng và phát triển tương lai của khu vực, trong đó có các cách thức hợp tác về các công nghiệp hiện đại và củng cố các mối quan hệ đối tác để ứng phó các vấn đề an ninh kinh tế như những rủi ro liên quan chuỗi cung ứng và năng lượng.

Tổng thống Biden đã đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh ba bên trong bối cảnh quan hệ Nhật-Hàn đang ấm lên và chứng kiến những bước đột phá trong việc hàn gắn quan hệ. Washington muốn tạo ra một khuôn khổ hợp tác bền vững và ổn định trước những thay đổi về lãnh đạo tại ba nước cũng như những thay đổi trong cộng đồng quốc tế.

Theo các nhà phân tích, hội nghị lần này có tầm quan trọng chiến lược đối với cả ba nước, cho phép các nhà lãnh đạo mở rộng và thể chế hóa hợp tác ba bên trước những bất ổn ngày càng tăng trong môi trường an ninh khu vực và toàn cầu.

Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để mối quan hệ Mỹ-Nhật-Hàn phát triển thành một liên minh ba bên chính thức, bởi về cơ bản đây vẫn là hình thức của một quan hệ đối tác hoặc hợp tác an ninh ba bên. Hợp tác an ninh được cho là vẫn sẽ đối mặt trở ngại.

Hội nghị lần này có tầm quan trọng chiến lược đối với cả ba nước, cho phép các nhà lãnh đạo mở rộng và thể chế hóa hợp tác ba bên trước những bất ổn ngày càng tăng trong môi trường an ninh khu vực và toàn cầu.

Một cựu quan chức Mỹ cho rằng, Washington đang dự kiến những động thái nhằm kéo ba nước xích lại gần nhau hơn trong lĩnh vực an ninh nhưng việc đạt được một khuôn khổ an ninh tập thể của ba nước là chặng đường còn dài. Mỹ có các hiệp ước an ninh riêng rẽ với Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng không có thỏa thuận nào để liên kết cả Hàn Quốc và Nhật Bản vào các hoạt động an ninh chung. Mức độ hợp tác an ninh giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ giữa Tokyo với Seoul và đây chính là yếu tố tiềm ẩn rủi ro.

Mặc dù tồn tại những khác biệt trong mục tiêu chiến lược của ba nước, song mức độ thể chế hóa quan hệ ba bên thông qua hội nghị lần này sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác ổn định trước những diễn biến phức tạp của tình hình ở khu vực và trên thế giới. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Hàn được các bên hy vọng sẽ tạo dấu mốc lịch sử cho Trại David như một địa điểm chứng kiến việc mở ra chương mới trong quan hệ ba bên.

Thái An