Nhật Bản-ASEAN thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số lĩnh vực thương mại
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 11:50, 18/08/2023
Nhật Bản và ASEAN thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số lĩnh vực thương mại. (Nguồn: VIR)
Theo báo Nikkei Asia, Nhật Bản sẽ phối hợp với các thành viên ASEAN để thúc đẩy áp dụng kỹ thuật số cho hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi cho thương mại song phương.
Dự kiến, các đối tác thương mại sẽ nhất trí về một lộ trình kỹ thuật số theo kế hoạch hành động tại cuộc họp các bộ trưởng kinh tế Nhật Bản-ASEAN sẽ diễn ra tại Indonesia vào cuối tháng này.
Lộ trình sẽ bao gồm các mục tiêu về khối lượng thương mại được số hóa, cũng như mục tiêu số hóa các thủ tục hải quan ở mỗi quốc gia.
Theo số liệu của ASEAN, thương mại giữa Nhật Bản và các nước ASEAN tăng 17% lên 240,2 tỷ USD vào năm 2021, nhưng phần lớn trong số này vẫn bị ràng buộc bởi giấy tờ và các thủ tục thực hiện bằng email.
Mỗi giao dịch xuất nhập khẩu có thể liên quan đến hàng tá tài liệu, bao gồm giấy chứng nhận xuất xứ và thông tin thanh toán. Định dạng khác nhau giữa công ty này và công ty khác làm cho quá trình này trở nên rườm rà.
Ngày càng có nhiều công ty khu vực tư nhân mời chào các dịch vụ trao đổi thương mại với các hình thức kỹ thuật số và quản lý dữ liệu trung tâm.
Lộ trình sẽ tìm cách thúc đẩy liên kết dữ liệu giữa các công ty cung cấp dịch vụ như vậy ở Nhật Bản và ASEAN. Đối với những nước chưa có các công ty như vậy, phía Nhật Bản có thể hỗ trợ.
Một nhà cung cấp như vậy, công ty khởi nghiệp TradeWaltz có trụ sở tại Tokyo, đã liên kết với các hệ thống quản lý thương mại ở Thái Lan và Singapore. Các dịch vụ của TradeWaltz sử dụng công nghệ chuỗi khối để ngăn chặn tình trạng gian lận.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) sẽ yêu cầu tài trợ 1,5 tỷ yen (10,3 triệu USD) cho ngân sách tài khóa tiếp theo để hỗ trợ mở rộng các dịch vụ của khu vực tư nhân như trên.
Mục đích của METI là trợ cấp cho các nhà sản xuất và công ty thương mại sử dụng các dịch vụ xuyên biên giới này trên cơ sở thử nghiệm.
Lộ trình Nhật Bản-ASEAN cũng sẽ bao gồm quan hệ đối tác về khai thác và tái chế khoáng sản từ các sản phẩm thải loại.
Động thái này diễn ra khi các quốc gia tìm kiếm nguồn cung lithium ổn định, các nguyên tố đất hiếm và các khoáng chất quan trọng khác trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu cung. Nhật Bản đã đầu tư vào tái chế các khoáng chất quan trọng có trong các thiết bị điện tử bỏ đi. Chính phủ Nhật Bản đang tìm cách đưa công nghệ tái chế đến ASEAN./.