Chính phủ Pakistan thành lập nội các lâm thời trước thềm bầu cử

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 21:58, 17/08/2023

Thủ tướng tạm quyền nước này Anwaar-ul-Haq Kakar ngày 17/8 đã thành lập nội các lâm thời để điều hành đất nước cho tới khi diễn ra tổng tuyển cử vào tháng 11 tới.

Chinh phu Pakistan thanh lap noi cac lam thoi truoc them bau cu hinh anh 1Thủ tướng tạm quyền của Pakistan Anwaar-ul-Haq Kakar (trái) tại lễ tuyên thệ nhậm chức ở Islamabad ngày 14/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo đài truyền hình GEO News của Pakistan, Thủ tướng tạm quyền nước này Anwaar-ul-Haq Kakar ngày 17/8 đã thành lập nội các lâm thời để điều hành đất nước cho tới khi diễn ra tổng tuyển cử vào tháng 11 tới.

Đáng chú ý, cựu Đại sứ Pakistan tại Mỹ Jalil Abbas Jilani được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao và cựu Giám đốc Ngân hàng trung ương Pakistan Shamshad Akhtar được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính trong nội các mới.

Thủ tướng tạm quyền Anwaar-ul-Haq Kakar tuyên thệ nhậm chức vào ngày 14/8 vừa qua. Ông Kakar được Thủ tướng mãn nhiệm Shehbaz Sharif và lãnh đạo phe đối lập Raja Riaz nhất trí lựa chọn giữ chức Thủ tướng tạm quyền để giám sát cuộc bầu cử sắp tới.

Theo đó, ông Anwaar-ul-Haq Kakar được giao nhiệm vụ thành lập nội các và lãnh đạo chính phủ đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế cho đến khi chính phủ mới được bầu.

Trước đó, ngày 9/8, Văn phòng Tổng thống Pakistan cho biết Tổng thống Arif Alvi đã chấp thuận khuyến nghị của Thủ tướng Shahbaz Sharif về việc giải tán Quốc hội 3 ngày trước khi cơ quan lập pháp kết thúc nhiệm kỳ 5 năm vào ngày 12/8.

Theo Hiến pháp Pakistan, nếu Quốc hội giải tán trước thời hạn thì tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong vòng 90 ngày sau đó. Sau khi chính phủ từ chức, Thủ tướng phải thảo luận với lãnh đạo phe đối lập trong Quốc hội để lựa chọn Thủ tướng tạm quyền cho đến khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử.

Đầu tháng này, Chính phủ Pakistan đã công bố kết quả cuộc điều tra dân số mới nhất, thực hiện hồi tháng 5 năm nay, đồng thời cho biết ủy ban bầu cử cần thời gian để xác định lại ranh giới các khu vực bầu cử, sau đó mới có thể ấn định ngày bầu cử.

Pakistan rơi vào tình trạng bất ổn chính trị kể từ khi cựu Thủ tướng Imran Khan bị phế truất hồi tháng 4 năm ngoái và sau đó bị kết án tù với tội danh tham nhũng. Ông Imran Khan đã bị truất quyền tranh cử trong 5 năm, nhưng đang tiến hành kháng cáo./.

Đức Trung (TTXVN/Vietnam+)

Đức Trung (TTXVN/Vietnam+)