Giáo dục - Đào tạo

Hiện thực và mong ước của trẻ em “vùng lõm” công nghệ thông tin

Mẫn Doanh - Minh Huyền 18/08/2023 06:38

Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy được áp dụng rộng rãi nhằm tăng hiệu quả dạy và học, giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.

Trong thời đại công nghệ, internet và các sản phẩm công nghệ số có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ giáo dục trẻ em. Thuật ngữ giáo dục 3.0 hay 4.0 đã áp dụng trong vài năm trở lại đây và mang lại những hiệu quả. Đối với trẻ em tại thành phố, trung tâm các huyện, việc tiếp cận nền giáo dục này rất dễ dàng. Nhưng tại những nơi vùng sâu, vùng xa, trẻ em ở những “vùng lõm” này vẫn còn đó giấc mơ tiếp cận CNTT…

Thiệt thòi trong tiếp cận tri thức

CNTT ngày càng đóng vai trò quan trọng trong lao động và cuộc sống. Việc sở hữu một chiếc máy tính để “nối mạng tri thức” trở nên thiết yếu. Tuy nhiên, nếu như người dân ở các thành phố lớn có điều kiện để sớm tiếp cận với CNTT thì ở các vùng sâu, vùng xa, điều này vẫn còn khá xa rời. Điều kiện kinh tế khó khăn, máy tính vẫn còn là mơ ước của rất nhiều học sinh nơi đây.

Trước đây, khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, để hoạt động dạy và học không bị gián đoạn, nhiều địa phương triển khai việc học trực tuyến qua máy tính hoặc điện thoại thông minh. Nhưng đối với các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thì điều này không dễ thực hiện. Những học trò nghèo vẫn còn thiếu máy móc, thiết bị để học hành, tiếp cận tri thức lúc này rất dễ bị tụt lại phía sau.

Em Làu Thị Dinh, học sinh lớp 8, khu Nâm So Ni của thôn 4, xã Đắk Som (Đắk Glong) chia sẻ: “Nơi em sống không có sóng điện thoại, không có máy tính để học. Vì vậy, em chỉ có thể học ở trường. Em không thể tiếp tục học giống như khi có dịch bởi gia đình em không có phương tiện hỗ trợ cho việc học như máy tính hay điện thoại giống như các bạn”.

img_7486(1).jpg
Học sinh DTTS, vùng sâu, vùng xa học tập kiến thức qua sách giáo khoa, chưa có điều kiện tiếp cận tri thức bằng CNTT

CNTT thúc đẩy một nền giáo dục mở, giúp học sinh tiếp cận thông tin đa chiều, rút ngắn khoảng cách, thu hẹp mọi không gian, tiết kiệm tối ưu về thời gian. Từ đó, học sinh phát triển nhanh hơn về kiến thức, nhận thức và tư duy. Hiện nay, nhiều đơn vị trường học có xu hướng triển khai học trực tuyến; học tập thông qua công cụ như zalo, email, zoom...; phối hợp dạy học cho con giữa cha mẹ và giáo viên thông qua các thiết bị thông minh; phiếu điện tử giao bài tập cho học sinh tự ôn tập và tự học tại nhà...

Tuy nhiên, việc thực hiện các hình thức dạy học này cho học sinh tại các đơn vị trường học vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS hầu như không thực hiện được. Một số địa bàn chưa có điện, không có mạng Internet hoặc tốc độ mạng còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu. Đại đa số phụ huynh là người DTTS, điều kiện sống còn gặp nhiều khó khăn, không có các phương tiện cho học sinh học tại nhà như máy tính, internet hay điện thoại thông minh. Trong khi đó, các nguồn học liệu điện tử ngày càng phong phú và phổ biến. Điều này tạo ra những thiệt thòi cho các em trong tiếp cận thông tin, tri thức. Khoảng cách số đồng nghĩa với khoảng cách về học tập. Và khoảng cách này sẽ còn rộng hơn khi giáo dục ngày càng đòi hỏi trẻ em phải làm chủ những kỹ năng số và công nghệ.

dsc_7542(1).jpg
Các em học sinh "vùng lõm" chỉ được tiếp cận CNTT qua máy tính trên trường học

Anh Giàng A Dín ở khu Suối Phèn, thôn 12, xã Quảng Hòa (Đắk Glong) hiện có 2 con đang học cấp I, II. Anh phải đưa con đi học cách nhà khoảng 20 km ra trung tâm xã hoặc khoảng 20 km ra trung tâm xã Quảng Sơn. Mặc dù mong muốn cho con có điều kiện học tập tốt nhất, nhưng gia đình thuộc hộ nghèo, chưa thể mua sắm máy tính và kết nối mạng cho con học tập.

Để có thể học tập theo giáo dục 3.0, 4.0 thì cần có sóng Internet và máy tính. Một số em học sinh DTTS chỉ biết đến máy tính và tiếp cận tại trường học nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó, quỹ thời gian dành cho học tập của trẻ em DTTS hạn chế do còn phải phụ giúp gia đình việc nương rẫy hoặc làm việc nhà. Sau giờ học, nhiều em học sinh phải tự mình lo toan công việc trong nhà, cơm áo gạo tiền…

Chắp cánh giấc mơ ứng dụng CNTT cho trẻ em vùng sâu, vùng xa

Việc ứng dụng CNTT giúp nâng cao chất lượng học tập của học sinh rõ rệt. Nhờ ứng dụng CNTT mà các tiết học được sinh động hơn, phát huy được tính tích cực chủ động của học sinh để tìm tòi kiến thức mới. Học sinh có thể lên mạng tra cứu thêm các thông tin bổ ích phục vụ cho việc học; tham gia các diễn đàn học tập; giải các đề thi; học Tiếng Anh…

Thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông đã rà soát, đầu tư khá nhiều cơ sở vật chất và trang thiết bị cần thiết cho việc ứng dụng CNTT trong dạy và học. Đặc biệt bảo đảm điều kiện dạy học môn Tin học bắt buộc theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa trong đầu tư phát triển CNTT cũng được tăng cường. Ngành Giáo dục còn phối hợp các đơn vị viễn thông triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hỗ trợ các trường phổ thông trong việc ứng dụng CNTT. Theo Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh, đến năm 2025, phấn đấu 50% học sinh và mỗi nhà giáo đủ điều kiện tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến.

Triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em", Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp nhận số tiền ủng hộ gần 32 tỷ đồng từ cán bộ, giáo viên và các tổ chức, doanh nghiệp. Qua đó, thực hiện mua sắm hơn 12.000 máy tính bảng cho học sinh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

mtb(1).jpg
Các em học sinh khó khăn trên địa bàn tỉnh được nhận máy tính bảng từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”

Hưởng ứng chương trình “sóng và máy tính cho em”, các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm cũng đã thực hiện nhiều chương trình trao tặng máy tính bảng cho các em học sinh hiếu học khó khăn và máy tính cho các điểm trường khó khăn. Viettel Đắk Nông thực hiện chương trình “Vì em hiếu học”, “Internet trường học”. Đoàn thanh niên có các công trình phủ sóng wifi miễn phí khu vực công cộng…

Với sự nỗ lực của ngành Giáo dục cùng với sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, nhà hảo tâm, thời gian qua nhiều em học sinh khó khăn, DTTS có cơ hội học tập bình đẳng như các bạn ở các vùng miền khác. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu và sự phát triển hiện nay, cần có sự chung tay hơn nữa của các cấp, ngành, tổ chức… giúp các em học sinh “vùng lõm” thu hẹp khoảng cách số.

Ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, trong dạy và học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông cũng như thực hiện lộ trình Chuyển đổi số của ngành Giáo dục tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 (theo Kế hoạch số 261/KH-UBND ngày 20/5/2022 của UBND tỉnh Đắk Nông). Qua đó, phát huy tối đa những ưu việt của công nghệ số để thúc đẩy đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng giáo dục, đào tạo.

Mẫn Doanh - Minh Huyền