Mạng xã hội - làm sao để con trẻ không sa đà?
Mạng xã hội (MXH) hiện đang phổ biến. Viêc lựa chọn thông tin MXH cho trẻ em đang là điều băn khoăn, trăn trở của nhiều bậc phụ huynh hiện nay.
Nhiều tiện ích
Ngày nay, sự bùng nổ cách mạng 4.0, MXH phủ sóng khắp toàn cầu. Người ta vẫn đang sử dụng MXH mọi lúc, mọi nơi, trong đó, có phần đông là một bộ phận trẻ em. Bởi vì sự tiện ích, công dụng của nó.
Theo nhiều bậc phụ huynh, MXH là công cụ thông minh, giúp trẻ xây dựng sự kết nối xã hội, giữ liên lạc với bạn bè, người thân. Nếu trẻ không tham gia MXH có thể bị lạc lõng với các bạn đồng trang lứa.
MXH còn mang đến cho trẻ nhiều niềm vui. Đây là nền tảng mà trẻ có thể dễ dàng tiếp cận những cái mới, những chương trình thiếu nhi hay. Từ phim hoạt hình đến những mẫu chuyện nhân văn hay, gương người tốt, việc tốt.
Theo chị Lê Thị Kiều Trang, một phụ huynh ở thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil), xét về khía cạnh nào đó, MXH thực sự hữu ích, nhất là với trẻ em. Có những kiến thức mà kể cả bố mẹ nhiều lúc không nắm hết. Vậy nhưng, trẻ chỉ cần vào MXH là được giải đáp ngay.
“Kiến thức chuyên sâu về các môn học. Những gương người tốt, việc tốt đều có hết. Trẻ em chỉ cần vào MHX là nhanh chóng được giải đáp. Từ đó, các em tiếp thu nhanh kến thức mình cần”, chị Trang chia sẻ.
Nói về tác dụng của MXH, anh Trần Minh Tâm, một phụ huynh ở TP. Gia Nghĩa cho rằng, nếu sử dụng đúng, MXH là công cụ rất hữu ích. Các em dành thời gian khoa học vào khám phá những điều phù hợp với từng lứa tuổi.
“Những kiến thức trên sách vở đôi lúc khô khan. Tuy nhiên, nhiều kiến thức được truyền tải qua các kênh MXH tạo cho trẻ em cách nhìn vấn đề đa dạng, phong phú hơn”, anh Tâm khẳng định.
Vẫn lạm dụng
Công nghệ thông tin phát triển, kéo theo sự ra đời của nhiều ứng dụng. Cùng với những thông tin tích cực, các nội dung xấu, độc trên MXH cũng mọc lên như nấm. Đây là những mầm mống gây ra nhiều hệ lụy cho trẻ khi vô tình tiếp nhận.
Trên thực tế, xã hội đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ học theo các hành động trong video clip trên mạng xã hội như: Tiktok, Youtube, Facebook. Một số trường hợp đã trở thành nạn nhân, để lại nhiều hậu quả đau lòng.
Đầu tiên phải kể đến là những hình ảnh nhạy cảm, khiến những người lớn cũng phải nóng mặt khi gặp phải. Nó xuất hiện trên các nền tảng MXH. Bất cứ đứa trẻ nào cũng phải lướt qua, nếu không có sự kiểm soát của bố mẹ.
Tiếp đến là những trào lưu nguy hiểm đã liên tục xuất hiện như: dọa ma trẻ em trên Tiktok, thử thách ăn những thứ không bình thường, thử thách treo cổ… Tất cả những trào lưu này đã dẫn đến những cái kết đau lòng ở đời thực.
Gần đây nhất, vụ việc một học sinh lớp 8 bị nhóm nam sinh đánh hội đồng giữa đường diễn ra tại Hà Tĩnh do mẫu thuẫn trên MXH. Trường hợp khác, nữ sinh 16 tuổi bị bạn đánh, lột đồ rồi quay video đăng tải lên MXH….
Có thể thấy, đối với đa số trẻ em, MXH vừa là nơi thể hiện bản thân, vừa là nơi trở thành nạn nhân của các thông tin xấu, độc. Hậu quả khôn lường về sức khoẻ, thậm chí tính mạng của các em đang trở thành nhiều câu chuyện buồn.
Theo chị Lê Thị Diệu Thương, phụ huynh tại thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp), nếu không có cách quản lý sát sao, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng. Bởi vì, các em chưa nhận thức đúng được thông tin nào hữu ích, thông tin nào không lành mạnh.
“Trẻ em bây giờ bắt chước, tiếp thu rất nhanh. Thậm chí, nhiều trường hợp các em còn học theo MXH. Nếu phát hiện không kịp sẽ gây ra hậu quả như: bạo hành, hành động thái quá…”, chị Thương cho biết.
Không nên cấm đoán quá đà
Thực tế, nhiều hệ lụy từ MXH đã tác động đến trẻ em. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các bậc phụ huynh cấm cản hoàn toàn việc trả em tiếp xúc với MXH. Nên chăng, chúng ta cần có những giải pháp để cân đối, phát huy hiệu quả tối đa MXH đối với trẻ em.
Hiện nay, từ gia đình tới nhà trường, các thiết bị điện tử dần được hạn chế tối đa. Một số trường học trên địa bàn Đắk Nông quy định cất điện thoại vào tủ từ đầu giờ cho đến cuối ngày. Điều này giúp các em có thể tận hưởng trọn vẹn thời gian học, thời gian chơi khi đến trường.
Một số nơi quy định không nói tục, chửi tục trên Facebook. Học sinh không được nhấn thích vào nội dung xấu, những điều cấm kỵ… được các nhà trường phổ biến, đưa vào quy định. Những nội quy được gắn ở hành lang, len lỏi vào cả trong mỗi giờ lên lớp. Điều này đã góp phần thay đổi thói quen của các em khi dùng MXH .
Ông Lê Tiến Thanh, một phụ huynh ở Gia Nghĩa cho hay: “Mỗi gia đình không nên cấm cản trẻ em dùng MXH. Hãy cứ để các con được tiếp nhận những điều bổ ích từ MXH. Tiếp nhận trên cơ sở theo dõi, giám sát và định hướng đúng đắn”.
Theo nhiều bậc phụ huynh, để tác hại MXH ít ảnh hưởng đển trẻ em, bắt buộc có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn, đội.
“Tổ chức đoàn, đội các cấp trong tỉnh cần phối hợp với nhà trường, gia đình thường xuyên trang bị các kiến thức về sử dụng MXH an toàn cho trẻ. Đây là yếu tố tiên quyết, nhằm giúp các em tự bảo vệ bản thân”, ông Nguyễn Văn Tài, một phụ huynh ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) chia sẻ.
Còn đối với cô giáo Phạm Thúy Nga, ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) cho hay, các bậc phụ huynh hiểu, quan tâm giáo dục, dành sự quan tâm thỏa đáng để hướng dẫn con mình sử dụng mạng an toàn. Mỗi gia đình cần hướng cho con trở thành một công dân có trách nhiệm khi sử dụng MX.
Các bậc phụ huynh cần nâng cao trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát. Gia đình nên chia sẻ, tâm sự, hướng dẫn trẻ về những lợi ích mang lại từ MXH, đồng thời định hướng, chọn cho trẻ những nội dung lành mạnh.
Về phía tổ chức đoàn, đội các cấp cũng cần phải khai thác các tính năng ưu việt mà MXH mang lại, nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục đối với trẻ em
Rõ ràng, việc giáo dục một đứa trẻ chưa bao giờ là dễ dàng. Người lớn phải dành nhiều thời gian, tâm sức mới hi vọng có kết quả tốt đẹp. Mong rằng, mỗi bạn nhỏ lớn lên trong môi trường thật lành mạnh. Các em sẽ được xây dựng một lối sống khoa học hơn.