Khai mạc Diễn đàn Phật giáo quốc tế lần thứ nhất tại Liên bang Nga
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 20:18, 17/08/2023
Tiết mục văn nghệ trong lễ khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: Xuân Hưng) |
Diễn đàn do Giáo hội Phật giáo truyền thống Nga phối hợp Quỹ hỗ trợ giáo dục và nghiên cứu Phật giáo, Chính quyền Cộng hòa Buryatia tổ chức. Đây là một trong những hoạt động nhằm kỷ niệm 100 năm thành lập Cộng hòa Buryatia - một trong những trung tâm văn hóa Phật giáo của Nga.
Nhân sự kiện này, Tổng thống Vladimir Putin và các lãnh đạo Nga đã gửi thông điệp đến những người tham gia Diễn đàn.
Người đứng đầu Nhà nước Nga nhấn mạnh, Phật giáo, văn hóa và truyền thống của nó có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nước Nga - một quốc gia đa tôn giáo và đa dân tộc; đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một dân tộc thống nhất, đoàn kết; trở thành người định hướng tinh thần và đạo đức cho hàng trăm nghìn người.
Khai mạc Diễn đàn. (Ảnh: Xuân Hưng) |
Chào mừng các đại biểu tham dự Diễn đàn, Phó Chủ tịch thứ nhất Chính quyền Cộng hòa Buryatia Vsevolod Mukhin nhấn mạnh, Buryatia là một trong những trung tâm văn hóa và khoa học thế giới, trung tâm Phật giáo và Đông y của Nga. Tại Buryatia, có ít nhất 28 ngôi chùa Phật giáo, trong đó mỗi ngôi chùa là một kho tàng văn hóa Phật giáo thật sự.
Theo ông Vsevolod Mukhin, Diễn đàn Phật giáo quốc tế lần này sẽ tạo cơ hội cho những người tham gia có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa, triết lý và thực hành Phật giáo trong bối cảnh xã hội đương đại; tăng cường giao lưu, kết nối giữa các phật tử; tạo xung lực mới cho hợp tác khoa học, giáo dục và văn hóa giữa các tổ chức Phật giáo tại các quốc gia khác nhau trên thế giới.
Về phía Việt Nam, tham dự sự kiện có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn - Viện trưởng Viện nghiên cứu tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn (giữa) phát biểu tại phiên thảo luận nhóm. (Ảnh: Ban tổ chức) |
Phát biểu trong phiên thảo luận nhóm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Văn Tuấn cho biết, là một tôn giáo có lịch sử lâu đời ở Việt Nam, Phật giáo có ảnh hưởng to lớn đến văn hóa, tư duy, lối sống của con người Việt Nam, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của Việt Nam.
Theo ông Chu Văn Tuấn, trong bối cảnh thế giới hiện đại, với nhiều vấn đề toàn cầu đặt ra, Phật giáo ở Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức để có thể phát triển, nâng cao vai trò, vị thế, sự ảnh hưởng trong đời sống xã hội, cũng như nâng cao vai trò trong cộng đồng quốc tế.
Diễn ra từ ngày 17 đến 19/8, Diễn đàn Phật giáo quốc tế lần thứ nhất gồm 1 phiên họp toàn thể và 8 phiên thảo luận nhóm.
Tại phiên họp toàn thể, các đại biểu đưa ra những đánh giá và quan điểm về Phật giáo truyền thống và những thách thức đương đại. Phiên họp này được kỳ vọng tạo bước đệm căn bản mới nhằm thiết lập đối thoại và hợp tác quốc tế.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. (Ảnh: Xuân Hưng) |
Tại các phiên thảo luận nhóm, các đại biểu thảo luận về những khía cạnh khác nhau của Phật giáo, trong đó tập trung các vấn đề như bảo tồn và phát triển Phật giáo trên thế giới, giáo dục Phật giáo, vị trí của Phật giáo trong xã hội hiện đại và không gian thông tin.