Bô xít Đắk Nông - Kỳ vọng và tâm tư (kỳ cuối): Cần bộ, ngành tháo gỡ để phát triển
Tháo gỡ khó khăn từ quy hoạch bô xít đang là yêu cầu cấp thiết đối với tỉnh Đắk Nông. Tỉnh đã có những kiến nghị, giải pháp nhưng vẫn chưa được quan tâm tháo gỡ.
Tháo gỡ khó khăn từ quy hoạch bô xít đang là yêu cầu cấp thiết đối với tỉnh Đắk Nông. Tỉnh đã có những kiến nghị, giải pháp nhưng vẫn chưa được quan tâm tháo gỡ.
Cần cân nhắc về lợi ích
Ngày 18/7/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch khoáng sản giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch 866).
Trước đó, Đắk Nông thực hiện theo Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bô xít giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 167 ngày 1/11/2007 (gọi tắt là Quy hoạch 167).
Theo Quy hoạch 167, diện tích quy hoạch bô xít chiếm 1/3 diện tích tự nhiên của Đắk Nông. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tiến hành thăm dò tại 9 khu vực mỏ.
Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia đã thẩm định, phê duyệt diện tích thăm dò bô xít ở Đắk Nông là 158.540 ha, trữ lượng và tài nguyên tinh quặng là 992,971 triệu tấn.
Sau hơn 15 năm từ khi có Quy hoạch 167, chỉ có 1/9 mỏ bô xít đã được thăm dò, phê duyệt trữ lượng được cấp phép khai thác. Diện tích hàng năm khai thác bô xít tại Đắk Nông khoảng 100 ha để cung cấp cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ (công suất 650.000 tấn/năm).
Theo UBND tỉnh Đắk Nông, nếu chỉ cung cấp cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ thì phải mất gần 400 năm mới khai thác, chế biến hết trữ lượng, tài nguyên bô xít tại tỉnh.
Trong khi đó, Đắk Nông là một địa phương còn nhiều khó khăn. Tỉnh phải triển khai các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, các công trình phúc lợi xã hội.
Theo Giám đốc Sở Công thương Đắk Nông Nguyễn Bá Út, toàn bộ các mỏ bô xít do TKV thăm dò trước đây đều đưa vào Quy hoạch 866. Nếu như vậy, từ nay đến năm 2030, Đắk Nông sẽ thành đại công trường khai thác bô xít.
Các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở Đắk Nông muốn triển khai thì phải tiến hành tận thu bô xít trước khi thực hiện. Nhưng hiện giờ tỉnh chỉ có duy nhất 1 Nhà máy Alumin Nhân Cơ nên việc thu hồi bô xít còn hạn chế.
Theo quy định tại Khoản 7, Điều 2, Quyết định 866 ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, các dự án được phép triển khai trên khu vực có khoáng sản nhưng cần có giải pháp thu hồi, bảo vệ khoáng sản.
Chiếu theo quy định, nếu dự án nào có bô xít thì phải tận thu, đưa về Nhà máy Alumin Nhân Cơ hoặc đưa vào bãi chứa, dự trữ. Nhưng vấn đề tận thu được tỉnh Đắk Nông đánh giá là rất khó thực hiện hoặc sẽ phát sinh thêm các chi phí.
Giám đốc Sở GTVT Đắk Nông Nguyễn Nhân Bản cho biết, Đắk Nông có nhiều công trình giao thông hiện tại hư hỏng, xuống cấp cần được ưu tiên sửa chữa. Bởi đây là những công trình đã tồn tại rất lâu và đã xuống cấp, hư hỏng. Do vướng bô xít nên tỉnh chưa làm lại được.
Đối với các công trình giao thông mở mới, nhiều dự án cũng nằm trong vùng quy hoạch bô xít. Do đó, Trung ương cần tính toán đến hiệu quả của việc thu hồi bô xít.
"Địa hình Đắk Nông có đồi bát úp, cần khối lượng đào đắp lớn. Nếu thu hồi hết khoáng sản rồi lại tìm kiếm nguồn vật liệu đào đắp thì rất mất thời gian, phát sinh thêm chi phí và cả chất lượng công trình”, ông Bản cho hay.
Mở những “nút thắt”
Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ: Ở Đắk Nông quy hoạch toàn bô xít nhưng hiện tỉnh chưa được Trung ương cung cấp bản đồ xác định thân quặng. Chúng tôi rất mong được cung cấp bản đồ này và có hướng dẫn cụ thể kế hoạch, lộ trình khai thác bô xít. Có như vậy, chúng tôi mới có không gian và định hướng phát triển kinh tế - xã hội.
Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ Công thương và Bộ TN-MT, tỉnh Đắk Nông báo cáo chi tiết, cụ thể về hơn 1.062 dự án vướng quy hoạch bô xít. Đắk Nông đã nêu bật những khó khăn lớn về việc chồng lấn quy hoạch, trong chấp thuận các dự án và quy hoạch mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong khu vực có bô xít.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên, hiện chỉ tiêu phân bổ về diện tích đất khai thác bô xít ở Đắk Nông giai đoạn 2021 - 2030 không thống nhất với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Do đó, Trung ương cần có giải pháp điều chỉnh cho phù hợp, thống nhất.
Tại Quy hoạch 866, trong tọa độ khép góc khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng bô xít, nhiều khu vực không có khoáng sản.
Do đó, cần chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ quy hoạch bô xít sang các mục đích sử dụng đất khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh Đắk Nông mong Bộ TN-MT cho phép triển khai toàn bộ các dự án trong khu vực không có bô xít để không lãng phí hiệu quả sử dụng đất.
Nếu Bộ TN-MT giao cho UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam xác định các khu vực không có bô xít và quyết định chuyển mục đích sử dụng thì sẽ giúp cho tỉnh mở được 1 “nút thắt” cho tỉnh.
“Nút thắt” lớn nhất là tại các dự án triển khai trên vùng quy hoạch bô xít. Tỉnh Đắk Nông đang kiến nghị tháo gỡ “nút thắt” này bằng việc vận dụng linh hoạt điều 65, Luật Khoáng sản 2010.
Theo Điều 65, Luật Khoáng sản 2010, khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản thì cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định việc thăm dò, khai thác trước khi dự án được phê duyệt hoặc cấp giấy phép đầu tư. Đối với bô xít, thẩm quyền là quyết định là của Bộ TN-MT.
Ông Lê Trọng Yên cho rằng, các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (quy định tại điều 62, Luật Đất đai 2013) được triển khai nhiều ở Đắk Nông.
Phần lớn các dự án có niên hạn sử dụng chỉ vài chục năm. Trong khi đó, thời hạn khai thác hết bô xít của Đắk Nông có thể kéo dài, lên đến vài trăm năm. Do đó, việc đầu tư các dự án này cơ bản không làm thất thoát tài nguyên khoáng sản.
Theo ông Lê Trọng Yên, đất trong vùng quy hoạch bô xít được sử dụng làm vật liệt san lấp cho chính công trình đó sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng đất, giảm chi phí đầu tư công trình, dự án.
Tỉnh Đắk Nông đề nghị Bộ TN-MT ủy quyền cho UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Cục Địa chất Việt Nam (thuộc Bộ TN-MT) và các đơn vị được cấp phép khai thác, sử dụng bô xít (hiện nay Đắk Nông chỉ có TKV) quyết định việc thu hồi bô xít trước khi dự án được phê duyệt.
Nếu xét thấy việc thu hồi không hiệu quả, các đơn vị quyết định không thu hồi để tiếp tục triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội (đối với tất cả các dự án thuộc hoặc không thuộc điều 62, Luật Đất đai 2013).
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười, từ cuối năm 2022 tới nay, Đắk Nông đã có nhiều kiến nghị gửi Bộ TN-MT và Thủ tướng Chính phủ. Đắk Nông sẽ tiếp tục theo đuổi các kiến nghị này và mong Trung ương quan tâm, tháo gỡ một cách căn cơ, thấu đáo và có thể mang tính chất đặc thù.
Nếu được tháo gỡ sớm, Đắk Nông khẳng định sẽ quyết tâm, tập trung nhân lực, vật lực hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra. Từ đó, góp phần vào sự phát triển của tỉnh nói riêng, của Tây Nguyên và cả nước nói chung.