Thời sự

Nông nghiệp Đắk Nông tìm giải pháp thích ứng với quy định mới của châu Âu

Hồng Thoan 16/08/2023 18:10

Quy định của Liên minh châu Âu (EUDR) đối với vấn đề không gây mất rừng, suy thoái rừng đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho nông nghiệp Đắk Nông.

Ngày 16/8, tại TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông), Sở NN- PTNT Đắk Nông tổ chức Hội thảo EUDR (Quy định của EU về chuỗi cung ứng không gây mất rừng và suy thoái rừng ) - Thách thức và cơ hội với ngành Nông nghiệp Đắk Nông.

dsc_0107(1).jpg
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến với các chuyên gia

Hội thảo được tổ chức với sự phối hợp của Ban quản lý Dự án iLandscape; Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH).

Đắk Nông hiện có xấp xỉ 140.000 ha cà phê. Đây là cây trồng chủ lực của tỉnh. Năng suất cà phê trung bình của tỉnh đạt 2,5 - 3 tấn/ha; sản lượng bình quân khoảng 350.000 – 400.000 tấn/năm. Cà phê của tỉnh xuất khẩu đến 10 quốc gia, với sản lượng khoảng 110.000 tấn/ năm.

Ngày 16/5/2023, Nghị viện châu Âu thông qua quy định EUDR và có hiệu lực từ tháng 12/2024. Theo quy định EUDR, 100% một số sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là cà phê, khi nhập khẩu vào thị trường châu Âu đều cần có thông tin định vị (GPS) đến từng vườn.

5-quy-dinh-eu.jpg

Từ đó, nước nhập khẩu có thể xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám. Với quy định này, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su là những ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam bị ảnh hưởng lớn.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về những thách thức, cơ hội đối với cà phê Đắk Nông. Nhiều đại biểu nhấn mạnh, thách thức chính của cà phê Đắk Nông là quy mô nông hộ nhỏ lẻ. Điều này đồng nghĩa, số hộ bị tác động rất lớn.

Tỉnh Đắk Nông chưa có cơ sở dữ liệu về vườn cây, truy xuất nguồn gốc, phân lập vùng trồng. Tỷ lệ diện tích cà phê được chứng nhận, liên kết thấp.

Diện tích cà phê canh tác ven và xen kẽ trong đất lâm nghiệp còn khá nhiều và chưa đồng nhất giữa số liệu địa chính với ngành Nông nghiệp.

Nhiều đại biểu cho rằng, cơ hội cho cà phê Đắk Nông cũng rất lớn từ EUDR. Trước hết, đây là cơ hội để ngành hàng cà phê tái cơ cấu lại gắn với sử dụng tài nguyên đất đai bền vững, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng...

Hội thảo đi đến thống nhất, Đắk Nông cần tăng cường tìm hiểu, ứng dụng các quy định của EUDR nhằm nâng cao giá trị ngành hàng cà phê, phục vụ xuất khẩu bền vững.

Hồng Thoan