Lắp đặt trạm sạc xe điện căn cứ quy định nào?
Chính sách - Ngày đăng : 08:55, 16/08/2023
Tuy nhiên, các quy định tại Việt Nam về lắp đặt trạm sạc xe điện còn hạn chế nên Công ty Kymco Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu các quy trình liên quan.
Do việc lắp đặt các trạm sạc xe điện hiện nay phụ thuộc vào hướng dẫn của từng cơ quan địa phương nên Công ty đề nghị được hướng dẫn một số nội dung sau:
- Về quy hoạch lắp đặt trạm sạc: Công ty Kymco Việt Nam có kế hoạch lắp đặt các trạm sạc tại các trung tâm thương mại, tòa nhà chung cư, tại các nhà máy của khách hàng là doanh nghiệp trong khu công nghiệp và tại các trạm xăng dầu,...
Công ty hỏi, trước khi lắp đặt các trạm sạc có phải xin giấy phép và báo cáo kế hoạch đến Sở Kế hoạch và Đầu tư hay các cơ quan nào khác không? Nếu có, Công ty đề nghị được hướng dẫn thủ tục để thực hiện.
- Về giấy phép kinh doanh: Hiện tại, các mã ngành nghề theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, chưa có quy định rõ ràng về mã ngành nghề kinh doanh đối với việc sản xuất, kinh doanh, lắp đặt trạm sạc xe điện, khiến cho Công ty gặp khó khăn khi xác định mã ngành kinh doanh cấp 4 để thực hiện thủ tục bổ sung ngành nghề đăng ký kinh doanh. Công ty đề nghị được hướng dẫn để bổ sung đúng ngành nghề.
- Về giấy phép xây dựng: Công ty hỏi, việc lắp đặt các trạm sạc tại các bãi đỗ xe hiện hữu trong các công trình có làm thay đổi công năng sử dụng của của công trình hay không? Khi lắp đặt các trạm sạc xe điện tại các công trình hiện hữu đã hoàn thành thì có phải xin cải tạo lại công trình hay không?
- Về phòng cháy chữa cháy: Trạm sạc xe điện không phải là đối tượng thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy theo quy định tại Phụ lục V Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ.
Công ty Kymco Việt Nam hỏi, việc lắp đặt trạm sạc tại các địa điểm như trung tâm thương mại, tòa nhà chung cư, tại các nhà máy của khách hàng là doanh nghiệp trong khu công nghiệp và các trạm xăng dầu,.…. thì phải đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy như thế nào?
Về vấn đề này, Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Trạm sạc điện là công trình điện lực và chịu sự điều tiết của pháp luật về điện lực. Theo quy định của Luật Điện lực, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện; UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương.
Ngoài ra, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, nội dung Quyết định giao Bộ Công Thương chủ trì phát triển hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông.
Liên quan đến các câu hỏi của Công ty TNHH Kang Yang Việt Nam về việc đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc điện cho xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn tỉnh Bình Dương; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao của các bộ, UBND các tỉnh, thành phố thì:
- Các nội dung về quy hoạch, đầu tư, lắp đặt trạm sạc điện thực hiện theo quy định của pháp luật về điện lực và thuộc chức năng quản lý của Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bình Dương.
- Về phòng cháy, chữa cháy tại các trạm sạc điện tại các địa điểm như trung tâm thương mại, tòa nhà chung cư, nhà máy, doanh nghiệp trong khu công nghiệp... thuộc chức năng quản lý của cơ quan phòng cháy, chữa cháy tại địa phương.
Chính phủ Việt Nam hiện đang ưu tiên việc đầu tư phát triển hệ thống trạm sạc điện nhằm thúc đẩy chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện.
Vì vậy, trong quá trình đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc điện tại Bình Dương, nếu có vướng mắc, doanh nghiệp có thể liên hệ với các cơ quan chức năng liên quan như đã nêu trên để được hỗ trợ, giải đáp.