Dòng chảy thông tin

Ngoại giao văn hóa Việt Nam trong hội nhập quốc tế

P.V 16/08/2023 06:26

Việt Nam luôn quan tâm hoạt động giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới. Thời gian qua, Việt Nam đã đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, đổi mới về hình thức giao lưu… thu được nhiều kết quả quan trọng.

Quảng bá hình ảnh đất nước

Là một trong những trọng tâm công tác của đối ngoại, công tác ngoại giao văn hóa đã bám sát các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng về đối ngoại và phát triển văn hóa, linh hoạt thích ứng với tình hình mới, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển bền vững đất nước và góp phần nâng cao vị thế, uy tín và sức mạnh mềm quốc gia.

do-hoa-ngoai-giao-van-hoa.png

Ngoại giao văn hóa quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với thế giới. Các hoạt động quảng bá được cả hệ thống chính trị tích cực triển khai nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế hình ảnh đất nước Việt Nam có lịch sử hào hùng hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, một đất nước tươi đẹp và giàu tiềm năng phát triển. Con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, thân thiện và hiếu khách; nền văn hóa Việt Nam đặc sắc, đa dạng và hòa hợp.

Hàng năm, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã tiến hành nhiều hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế; tổ chức nhiều chương trình Tuần/Ngày Việt Nam ở nước ngoài, Tuần văn hóa Việt Nam ở nước ngoài; vinh danh các anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa của Việt Nam.

Đặc biệt, các hoạt động tôn vinh "Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hóa kiệt xuất" được triển khai hiệu quả tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (ở tất cả các châu lục) với nhiều hình thức, quy mô đa dạng, phong phú. Các hoạt động quảng bá có ý nghĩa quan trọng trong phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam, góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Góp phần nâng cao ngoại giao chính trị, kinh tế

Ngoại giao văn hóa góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả của ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế. Việc đưa nét đặc trưng, tinh tế của văn hóa Việt Nam vào công tác đón tiếp lãnh đạo cấp cao các nước thăm Việt Nam nhân các chuyến thăm, hội nghị, các sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam đã góp phần xây dựng quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa các lãnh đạo, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và giành được thiện cảm của các nước dành cho Việt Nam, góp phần vào thành công chung của các hoạt động chính trị.

Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa kết hợp chặt chẽ với ngoại giao kinh tế trong các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của các bộ, ngành, địa phương nhằm xây dựng hình ảnh tổng thể về Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, du lịch; có nền văn hóa đặc sắc, đa dạng và đồng thời cũng dễ hòa hợp đối với người nước ngoài đầu tư, lao động, học tập tại Việt Nam.

ngoai-giao-van-hoa-1.png

Nâng cao vị thế đất nước, xây dựng thương hiệu địa phương

Vị thế đất nước ngày càng được nâng cao từ các hoạt động ngoại giao văn hóa. Tại các diễn đàn đa phương, ngoại giao văn hóa kết hợp với ngoại giao chính trị xây dựng hình ảnh tốt đẹp về Việt Nam, phát huy và làm lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam thông qua việc thể hiện vai trò tích cực, chủ động, trách nhiệm của quốc gia thành viên tham gia đóng góp vào công việc chung của tổ chức, ủng hộ việc tôn trọng luật pháp quốc tế và các giá trị phổ quát.

Tại tổ chức UNESCO, Việt Nam đã chủ động tham gia các kỳ họp, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp xây dựng đối với các vấn đề liên quan đến chính sách, quản trị và chuyên môn của UNESCO; đảm nhiệm một số vị trí quan trọng tại các Ủy ban chuyên môn và tham gia quá trình sửa đổi Hiến chương và quy chế hoạt động của tổ chức. Hiện UNESCO đang hỗ trợ Việt Nam triển khai 2 dự án lớn: Bộ chỉ số cơ bản phát triển giáo dục Việt Nam và Dự án thí điểm về chỉ số văn hóa nhằm triển khai Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc về phát triển bền vững.

_dsc5924(1).jpg
Đại diện UBND tỉnh Đắk Nông tặng quà cho Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. HCM tại Chương trình Giao lưu văn hoá, văn nghệ tỉnh Đắk Nông - Việt Nam và Ấn Độ tối 14/8/2023    Ảnh: Thanh Hải

Cùng với đó, ngoại giao văn hóa tham gia xây dựng thương hiệu địa phương. Nhiều địa phương đã tổ chức thành công các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn. Trong đó, nhiều sự kiện, lễ hội định kỳ và thường niên dần trở thành “thương hiệu” của địa phương, tạo sức hút đối với bạn bè và khách du lịch quốc tế.

_dsc5793(1).jpg
Đoàn Đắk Nông biểu diễn tiết mục văn nghệ tại Chương trình Giao lưu văn hoá, văn nghệ tỉnh Đắk Nông - Việt Nam và Ấn Độ tối 14/8/2023      Ảnh: Thanh Hải

Thông qua nhiều hoạt động, Việt Nam từng bước nâng cao khả năng hội nhập văn hóa; tiếp nhận hiệu quả những giá trị văn hóa, nghệ thuật và phương thức thể hiện hiện đại, hấp dẫn, tiêu biểu của thế giới, làm phong phú và nâng tầm về cả hình thức, nội dung, giá trị các sản phẩm văn hóa dân tộc.

_dsc5783(1).jpg
Một tiết mục của đoàn Ấn Độ tại Chương trình Giao lưu văn hoá, văn nghệ tỉnh Đắk Nông - Việt Nam và Ấn Độ tối 14/8/2023     Ảnh: Thanh Hải

Các hoạt động giao lưu văn hóa ngày càng trở thành một kênh chuyên nghiệp, hiệu quả góp phần nâng tầm vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế. Giao lưu văn hóa không chỉ đẩy mạnh quan hệ với cộng đồng nước ngoài, mà còn truyền bá văn hóa nước nhà đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, gắn kết kiều bào với quê hương, đất nước, thẩm thấu văn hóa Việt Nam tới cộng đồng nước sở tại.

      Ngoại giao văn hóa kết hợp với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế giúp tạo hiệu ứng, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, du lịch góp phần mở rộng hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với các địa phương và đối tác nước ngoài. Một số địa phương đang hướng đến xây dựng thương hiệu "thành phố sáng tạo", "thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO, trở thành trung tâm của khu vực và thế giới trong lĩnh vực ẩm thực, điện ảnh...

P.V