Phụ nữ Afghanistan tìm cách khởi nghiệp bất chấp nhiều lệnh cấm
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 16:20, 15/08/2023
Phụ nữ Afghanistan làm việc tại một xưởng may ở tỉnh Herat ngày 7/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Dù đối mặt với nhiều quy định hạn chế do Taliban thiết lập sau khi lực lượng này trở lại nắm quyền ở Afghanistan vào ngày 15/8/2021, hàng nghìn phụ nữ tại quốc gia Tây Nam Á này đã tìm cách để tự tạo dựng cơ sở kinh doanh riêng, dù công khai hoặc bí mật, để đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Cô Laila Haidari, 44 tuổi, từng sở hữu một nhà hàng ở thủ đô Kabul.
Giới trí thức, nhà báo, nhà văn và người nước ngoài thường xuyên ghé thăm nhà hàng này, vốn được biết đến nhờ những “bữa tiệc” âm nhạc và văn thơ vào các buổi chiều.
Cô Haidari đem lợi nhuận thu được từ nhà hàng này để đầu tư vào một trung tâm cai nghiện gần đó cũng do cô lập nên. Thế nhưng, những cơ sở này đều bị đập phá chỉ vài ngày sau khi Taliban trở lại nắm quyền.
Năm tháng sau khi nhà hàng của mình bị phá, cô Haidari - doanh nhân người Afghanistan, đã bí mật mở một cơ sở nghề thủ công, tạo công ăn việc làm có nguồn thu cho phụ nữ.
Công việc chính là may khâu váy vóc và làm đồ trang sức thời trang từ những vỏ đạn được đun nóng chảy. Ngoài ra, cơ sở này cũng may quần áo nam, thảm và làm vật dụng trang trí trong nhà. Có khoảng 50 nhân viên nữ làm việc tại đây, với mức thu nhập gần 60 USD mỗi tháng.
Cô Haidari chia sẻ: “Đây không phải là giải pháp lâu dài song ít nhất cơ sở này của tôi sẽ giúp phụ nữ có thu nhập từ công việc của mình."
Cơ sở làm đồ thủ công may vá và trang sức của cô Haidari hiện là nguồn hỗ trợ tài chính cho một trường học được xây dưới mặt đất với 200 nữ sinh. Tại đây, các em được họ toán, khoa học và tiếng Anh. Một số em đến lớp học, trong khi số khác học trực tuyến.
Cô Haidari bộc bạch: "Tôi không muốn các cô gái Afghanistan quên đi kiến thức để rồi trong một vài năm nữa, Afghanistan lại có thêm một thế hệ mù chữ."
Xưởng của cô Haidari là một trong những cơ sở hoạt động kinh doanh được xây dựng dưới mặt đất do chính phụ nữ thiết lập.
Những hoạt động kinh doanh này được triển khai sau khi lực lượng Taliban lên nắm quyền cách đây 2 năm.
Dù cam kết áp dụng các quy định Hồi giáo mềm dẻo hơn so với giai đoạn cầm quyền đầu tiên 1996-2001, nhưng Taliban đã từng bước đưa ra các biện pháp hạn chế đời sống xã hội, nhất là đối với phụ nữ.
Chính quyền Taliban đã cấm phụ nữ tham gia vào hầu hết công việc, đóng cửa phần lớn trường trung học dành cho nữ sinh, không cho phụ nữ học đại học đồng thời đưa ra các biện pháp hạn chế hà khắc khác về quyền tự do đi lại.
Việc Taliban trở lại nắm quyền đã nhanh chóng đảo ngược nỗ lực trong hai thập kỷ qua của cộng đồng quốc tế nhằm tạo cơ hội để phụ nữ Afghanistan có thể tạo lập kinh doanh, thay vì chỉ trông đợi vào các chương trình hỗ trợ tài chính nhằm trao quyền cho nữ giới.
Trước năm 2021, phần lớn cơ sở kinh doanh do phụ nữ tạo lập là ngành nghề thủ công như mở một xưởng làm bánh.
Sau đó, nhiều người trong số họ đã lấn sang kinh doanh trong những lĩnh vực mà nam giới thường tham gia như công nghệ thông tin, dịch vụ truyền thông, xuất khẩu, lữ hành và thậm chí xây dựng. Việc điều hành nhà hàng và quán càphê như của cô Haidari cũng được xem là lĩnh vực kinh doanh dành cho nam giới ở Afghanistan.
Afghanistan đang chìm trong khủng hoảng nhân đạo khi có tới 28,3 triệu người (tương đương 2/3 dân số) cần được hỗ trợ để tồn tại.
Theo bà Sima Bahous, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, đồng thời là Giám đốc điều hành Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), gần 25% số hộ gia đình ở Afghanistan có chủ hộ là nữ giới.
Việc chính quyền hiện nay tại Afghanistan đưa ra nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ trong việc tham gia kinh tế-xã hội có thể khiến khoảng 2 triệu phụ nữ chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ngoài ra, những hạn chế này cũng có thể gây ra vết thương ngày càng lớn và khó lành cho quốc gia Tây Nam Á này./.