Đời sống

Cơ hội để người dân Đắk Nông hiểu về văn hóa Ấn Độ

Thanh Hằng- Mỹ Hằng 15/08/2023 15:18

Tham dự Chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ Đắk Nông (Việt Nam) và Ấn Độ, khán giả đã có cơ hội tìm hiểu văn hóa của một trong những nền văn minh lớn nhất phương Đông thời kỳ cổ, trung đại.

Tối 14/8, UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa tỉnh Đắk Nông (Việt Nam) và Ấn Độ.

Sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại TP. Gia Nghĩa, đã mang đến cho khán giả những cảm nhận ấn tượng về văn hóa Ấn Độ thông qua phần biểu diễn kéo dài hơn 30 phút của Đoàn múa cổ điển Kuchipudi.

hinh-giao-luu-an-do_dak-nong_2023_duong-phong_3(1).jpg
Ngài Mahesh Chandra Giri, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. HCM nhấn mạnh về ý nghĩa của chương trình giao lưu văn nghệ tối 14/8.

Đoàn múa cổ điển Kuchipudi mang đến chương trình 3 tiết mục múa cổ điển Kuchipudi gồm “Ganesh Kruti”, “Swati thirunal keertana”, “Tarangam”…. Cùng với không gian đậm chất văn minh sông Ấn, sông Hằng, các nghệ nhân của đoàn còn tái hiện đời sống văn hóa tâm linh thông qua những nhạc cụ như karnatic, đàn mridanga và kèn clarinet.

Nhờ tiết tấu sôi nổi của các nhạc cụ và điệu múa cổ điển, linh hoạt, mỗi tiết mục múa đã kể lại một câu chuyện thần thoại về các vị thần trong tín ngưỡng Ấn Độ.

hinh-giao-luu-an-do_dak-nong_2023_duong-phong_4(1).jpg
Đoàn múa cổ điển Kuchipudi mang đến chương trình 3 tiết mục múa.

Được biết, đoàn múa cổ điển Kuchipudi gồm 6 thành viên. Trong thời gian tham gia Lễ hội chào Việt Nam năm 2023 (diễn ra 11-19/8), đoàn đã có buổi giao lưu văn nghệ tại tỉnh Đắk Nông. Thông qua chương trình, đã góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa đặc trưng của Ấn Độ, đồng thời thắt chặt mối hợp tác phát triển giữa 2 quốc gia Việt Nam-Ấn Độ.

Nghệ sĩ Nivedita Avikara Pulliveri, Trưởng Đoàn múa cổ điển Ấn Độ) chia sẻ;"Kuchipudi là loại hình múa phổ biến ở vùng Andhra Pradesh. Mỗi nhân vật chính trong các vở múa Kuchipudi đều phải tự giới thiệu mình trên sân khấu bằng một màn hát- múa ngắn gọn.

Cũng theo nghệ sĩ này, để có thể múa được các điệu vũ cổ điển, người nghệ sĩ múa phải có trình độ kỹ thuật tốt, bởi thể loại múa này yêu cầu nghệ sĩ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc đã được điển chế hoá về tư thế và động tác.

hinh-giao-luu-an-do_dak-nong_2023_duong-phong_2-1-.jpg
Theo chia sẻ, Kuchipudi là loại hình múa phổ biến ở vùng Andhra Pradesh.

Muốn biểu diễn thành thạo, các nghệ sĩ phải có thời gian khổ luyện lâu dài, thường là từ khi còn rất nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Đối với một vũ công tài hoa, ngoài động tác cơ thể thì nét mặt là một trong yếu tố quan trọng nhất.

"Thông qua nét mặt, nghệ sĩ không chỉ biểu hiện được niềm xúc động và tình cảm của mình đối với khán giả, mà còn có thể truyền đạt cho người xem toàn bộ cốt chuyện với tất cả những tình tiết éo le, lãng mạn hay bi tráng hào hùng của nó”, Trưởng đoàn múa cổ điển Nivedita Avikara Pulliveri, giới thiệu về các phần biểu diễn của đoàn Ấn Độ.

hinh-giao-luu-an-do_dak-nong_2023_duong-phong(1).jpg
Đông đảo người dân Đắk Nông theo dõi chương trình.

Đối với người dân Đắk Nông, buổi biểu diễn giao lưu nghệ thuật là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức và người dân được tiếp cận, hưởng thụ văn hóa của một quốc gia vốn có nền văn minh lâu đời nhất phương Đông.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) chia sẻ cảm xúc: “Tôi cảm thấy rất may mắn khi được xem trực tiếp một chương trình văn nghệ đặc sắc như thế này. Dù chưa hiểu hết về ý nghĩa của các tiết mục nhưng tôi cảm thấy rất hay, nhất là biểu cảm của nữ diễn viên múa chính”.

hinh-giao-luu-an-do_dak-nong_2023_duong-phong_5-1-.jpg
Tinh thần, văn hóa Ấn Độ được thể hiện sâu sắc thông qua điệu múa cổ điển.

Phát biểu tại chương trình giao lưu, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Ấn Độ là một trong những trung tâm văn minh lớn của phương Đông, đã có những đóng góp thiết thực vào tiến trình lịch sử nhân loại.

Với bề dày tích tụ trên nhiều lĩnh vực và tinh tế trong cách ứng xử, văn hóa Ấn nhanh chóng được lan tỏa ra các khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

"Đêm giao lưu văn nghệ là dịp để các bạn Ấn Độ hiểu thêm văn hóa vùng đất Đắk Nông nói riêng, Việt Nam nói chung, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước trong giai đoạn mới", đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh.

Thanh Hằng- Mỹ Hằng