Đời sống

Người kiến trúc sư tài hoa hết lòng với đam mê nghệ thuật

Khánh Ngọc 11/08/2023 21:15

Không chỉ được biết đến với những công trình kiến trúc độc đáo, anh Nguyễn Quốc Học còn là tác giả của gần 200 ca khúc, hơn 20 đầu sách về nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nặng lòng với quê hương

Xuất thân trong gia đình có mẹ là giáo viên, ba là nhà văn và vẽ rất giỏi nên ngay từ nhỏ, anh Nguyễn Quốc Học (SN 1983, trú phường Nghĩa Thành, Tp.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) đã sớm bộc lộ sự yêu thích đặc biệt với môn vẽ. Sự yêu thích ấy trở thành niềm đam mê dẫn lối cho anh trở thành sinh viên của Trường đại học Kiến trúc Tp.HCM.

Năm 2007, sau khi tốt nghiệp đại học và trở thành một kiến trúc sư, anh Học về quê hương lập nghiệp để hiện thực hóa niềm đam mê của mình. “Được sinh ra, lớn lên trên vùng đất Cao nguyên M’nông ở tỉnh Đắk Nông nên bản thân tôi rất am hiểu về địa lý vùng đất, thổ nhưỡng, cũng như văn hóa của vùng đất này. Do đó, khi quyết định trở về quê lập nghiệp, tôi luôn mong muốn bằng những kiến thức đã học được trong trường đại học để vun một viên gạch nhỏ góp phần phục vụ cho sự phát triển của quê hương”, anh Học nhấn mạnh.

1(2).jpg
Sau gần 20 năm theo đuổi nghề kiến trúc, anh Nguyễn Quốc Học đã chủ trì, thiết kế gần 1.000 công trình.

Sau gần 20 năm theo đuổi nghề kiến trúc, anh đã chủ trì, thiết kế gần 1.000 công trình, trong đó gần 30 công trình tôn giáo và một số công trình văn hóa mang đậm nét kiến trúc Tây Nguyên.

Anh Học cho rằng một người kiến trúc sư giỏi trước hết phải là một nghệ sĩ, một họa sĩ và phải có khối óc của một kỹ sư. “Kiến trúc yêu cầu các chi tiết phải được tính toán kỹ lưỡng, chính xác đến mức gần như tuyệt đối. Còn nghệ thuật cần sự thăng hoa, bay bổng. Nếu mới chỉ nghe qua thì có vẻ chúng đối nghịch nhau nhưng theo tôi đó là tổng hòa, hỗ trợ nhau”, anh Học chia sẻ.

Bên cạnh đó, người kiến trúc sư phải đặc biệt am hiểu văn hóa, phong tục, tập quán của từng vùng miền, đất nước.

2(2).jpg
Công trình chùa Pháp Hoa (tỉnh Đắk Nông) mang dấu ấn cá nhân rõ nét của kiến trúc sư Nguyễn Quốc Học.

Xuất phát từ quan điểm ấy, mỗi khi bắt tay vào thiết kế công trình tôn giáo hay một công trình dân dụng, anh Học luôn suy nghĩ phải làm sao tìm ra được điểm chung, tiếng nói chung giữa chủ đầu tư và kiến trúc sư. “Đây là điều mà bản thân tôi đắn đo nhất và luôn nỗ lực tìm cho được điểm chung để tạo ra một công trình mang dấu ấn của chủ đầu tư và nét riêng của người làm kiến trúc. Đối với công trình kiến trúc tôn giáo thường mang những triết lý riêng, đặc trưng nên người kiến trúc sư buộc phải nắm được những nét chính của từng nét văn hóa đó”, anh Học nói.

Các công trình nổi bật mang dấu ấn cá nhân rõ nét của kiến trúc sư Nguyễn Quốc Học phải kể đến như: Cổng chào ở 3 cửa ngõ của Tp.Gia Nghĩa, Chùa Liên Hoa, Thiền viện Trúc lâm Đạo Nguyên... Đặc biệt, công trình chùa Pháp Hoa (tỉnh Đắk Nông) do anh Học thiết kế đã đạt giải C (không có A,B) về lĩnh vực kiến trúc của giải thưởng Văn học – Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông lần thứ II năm 2020, giai đoạn 2015-2020. Đây là công trình thể hiện rõ sự giao thoa giữa kiến trúc đặc sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên với triết lý phật giáo.

3.jpg
Cổng chào ở 3 cửa ngõ của Tp.Gia Nghĩa do anh Học thiết kế.

Anh Học lý giải: “Chùa Pháp Hoa là sự kết hợp giữa phong cách Á Đông mang đậm kiến trúc của phật giáo và kiến trúc Tây Nguyên. Theo đó, về tổng quan, ngôi chùa này nhìn giống như một ngôi nhà sàn ẩn trong một khu rừng trên mảnh đất Tây Nguyên. Ở phía sau công trình gồm 3 tầng mái, mang triết lý Tam Bảo của phật giáo”.

Không riêng gì công trình chùa Pháp Hoa, trong suốt quá trình gắn bó với nghề, anh Học luôn trăn trở phải làm thế nào để tạo ra những kiến trúc không chỉ đẹp về hình thức mà còn chạm đến nơi sâu nhất của trái tim con người. Để từ đó, khơi gợi lại khát vọng khôi phục, phát triển và bảo vệ vẻ đẹp, giá trị của kiến trúc Tây Nguyên.

Gắn bó với nghề thiết kế, anh Học đã lưu lại cho mình không ít những kỷ niệm. Trong đó, việc tham gia thiết kế Trường Trung cấp phật học Yangon ở đất nước Myanmar là một kỷ niệm vẫn đeo đuổi anh Học đến ngày hôm nay. Anh Học nhớ lại: “Năm 2017, tôi cùng chủ trì một ngôi chùa ở Đắk Nông sang Myanmar tham quan và được biết, Trường trung cấp Phật học Yangon đang xong phần móng nhưng chưa có bản thiết kế. Lúc này, tôi đã xin phép và được các vị chư tăng cho phép cúng dường một bản thiết kế dựa trên phần móng có sẵn”.

Trở về Việt Nam, anh Học nghiên cứu rất kỹ về văn hóa của đất nước Phật giáo này. Đồng thời, cấy ghép những tạo hình hiện đại trên nền kiến trúc truyền thống Myanmar vào ngôi trường. Với tinh thần làm việc không mệt mỏi, chỉ trong vòng một tháng, anh đã hoàn chỉnh bản thiết kế và được đánh giá cao nên đưa vào thi công. Sau đó, anh được mời thiết kế cơ sở 2 cho trường, nhưng không thể thực hiện vì đại dịch Covid-19. Đây cũng là điều khiến anh tiếc nuối nhất.

Không dừng lại ở đó, thời gian qua, anh Nguyễn Quốc Học còn truyền cảm hứng, sự sáng tạo và niềm đam mê cho nhiều bạn trẻ trên địa Tp.Gia Nghĩa qua các lớp dạy vẽ. Bằng việc làm thiết thực của mình, anh mong muốn góp phần nâng cánh ước mơ cho những bạn trẻ có niềm đam mê với hội họa.

Khối “gia tài khủng”

Không chỉ nổi tiếng là một kiến trúc sư tài hoa, anh Nguyễn Quốc Học còn được nhiều người biết đến là một nhạc sĩ, nhà thơ, nhà văn và trở thành cái tên quen thuộc trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở tỉnh Đắk Nông và khu vực Tây Nguyên. Dù ở cương vị nào, anh cũng rất say mê, làm việc nghiêm túc và tạo được dấu ấn bằng nhiều giải thưởng giá trị.

4(2).jpg
Anh Học tự thiết kế cho mình một phòng thu âm mini để được thỏa sức với đam mê âm nhạc

Anh Học cho hay: “Có những lúc cảm xúc, ý tưởng đến một cách bất chợt nhưng không thể hiện được qua những nét vẽ hay những hình ảnh bằng kiến trúc. Do đó, tôi đành mượn những giai điệu, những ca từ để diễn tả cảm xúc của mình nhanh nhất và nắm bắt cảm xúc một cách chân thật nhất. Đó cũng chính là cơ duyên của tôi khi đến với âm nhạc hay thơ ca”.

Tính đến nay, anh Học đã có trong tay khối gia tài khủng với gần 200 ca khúc với nhiều thể loại, chủ đề khác nhau. Mỗi một ca khúc anh viết đều chứa đựng tâm huyết, sự chân thành và khát khao sáng tạo mãnh liệt.

Trong đó, có những ca khúc được đánh giá cao như: “Hạt pháp ươm mầm Bazan” đạt giải A cuộc thi sáng tác do Ban văn hóa phật giáo Trung ương phát động, ca khúc “Đắk Nông chiều nhớ” đạt giải C do Ban tuyên giáo tỉnh Đắk Nông trao tặng; hay giải khuyến khích cho ca khúc “Dáng còng bà tôi” ở cuộc thi tình người trong đại dịch Covid-19; ca khúc “Khúc tình Quảng Ngãi” được lọt vào top 10 và tên ca khúc được chọn làm chủ đề của cuộc thi...

5(2).jpg
Anh Học đã dày công sưu tầm hơn 2.000 đầu sách với nhiều thể loại.

Tuyển tập mới nhất mang tên "Nối một vòng Việt Nam" có 22 ca khúc của anh Học viết về vùng đất, con người Việt Nam. Các sáng tác này như lời nhắc nhớ (nhở) con cháu Việt Nam, dù ở đâu, làm gì, cũng hãy nhớ mình là người Việt, anh em bốn bể chung dòng máu lạc hồng. Hầu hết các ca khúc trong tuyển tập này đã được phát trên Đài tiếng nói Việt Nam, Đài phát thanh truyền hình Đắk Lắk, Đài phát thanh truyền hình Đắk Nông…

Theo anh Học, những sáng tác của mình ngoài việc để thỏa niềm đam mê còn thể hiện góc nhìn của bản thân nơi đặt chân đến, hay người nào đó bước qua đời mình. Chính vì lẽ đó, mỗi khi đến vùng đất nào, anh cũng dành thời gian tìm hiểu lịch sử, con người và lắng đọng lại thành những vần thơ, lời nhạc mộc mạc, ngắn gọn, da diết.

Chưa dừng lại ở đó, đến nay kiến trúc sư Nguyễn Quốc Học đã xuất bản 3 tập thơ, trong đó “Miền đất bình yên” đạt giải C giải thưởng văn học nghệ thuật Đắk Nông năm 2000. Anh còn là tác giả của hơn 20 đầu sách về nhiều lĩnh vực khác nhau như: kiến trúc, âm nhạc, thơ văn, hội họa, phong thủy, tôn giáo... Trong đó, ấn phẩm “Kiến trúc Tây Nguyên” có ý nghĩa đặc biệt với anh. Anh xem đó như một sự trả ơn cho những ân tình mà mảnh đất Tây Nguyên đã giành cho mình. Hiện nay, anh đang ấp ủ để hoàn thiện bộ sách “Lịch sử kiến trúc Việt Nam”, đây cũng là một đề tài lớn nhiều tâm huyết, công sức.

6(2).jpg
Dù công việc bận rộn nhưng anh Học đều dành thời gian đọc sách để tích lũy kiến thức cho bản thân.

Hàng chục năm nay, anh Học còn dày công sưu tầm hơn 2.000 đầu sách với nhiều thể loại như: triết học, sử học, kiến trúc, văn học nghệ thuật… Với anh, mỗi cuốn sách đều mang trong mình một ý nghĩa hết sức quan trọng về tri thức cũng như triết lý sống. Đồng thời, đây còn là “kho báu” giúp anh có nhiều vốn từ, thỏa sức tung tẩy từng con chữ trong sáng tác nghệ thuật, cũng như truyền cảm hứng về văn hóa đọc đến thế hệ trẻ. Ngay bên cạnh phòng đọc sách, anh thiết kế cho mình một phòng thu âm mini để được đắm mình với đam mê âm nhạc.

7(2).jpg

“Ở góc độ địa phương, có thể nói anh Học là một tài năng của tỉnh Đắk Nông. Tuy còn rất trẻ nhưng anh Học có một khối kiến thức tương đối sâu sắc về văn hóa phật giáo. Trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng, Học đã thiết kế nhiều công trình có tính thẩm mỹ cao, tính dân tộc hài hòa cho địa phương. Không chỉ vậy, Học còn sáng tác rất nhiều tác phẩm âm nhạc, thơ ca, viết sách với nhiều thể loại khác nhau. Các ấn phẩm sách mà anh Học viết ra không chỉ thể hiện tính phổ quát mà còn có giá trị lan tỏa những vẻ đẹp về vùng đất, con người, văn hóa trên vùng đất Đắk Nông nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Đặc biệt, những nỗ lực của Học còn lan tỏa thông điệp về khát vọng vươn lên, khát vọng cống hiến, lao động nghệ thuật quên mình đến các thế hệ trẻ”.

Ông Võ Văn Hân – Chi Hội trưởng Chi hội Văn học Nghệ thuật Tp.Gia Nghĩa

Khánh Ngọc