ASEAN kiên quyết chống hợp pháp hóa và sản xuất ma túy trái phép

Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 17:52, 11/08/2023

Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại về những hậu quả nghiêm trọng gây ra do vấn đề ma túy đối với sức khỏe, an ninh, an toàn của người dân trong khu vực…

ASEAN kien quyet chong hop phap hoa va san xuat ma tuy trai phep hinh anh 1Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về các vấn đề ma túy lần thứ 8.(Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 11/8, tại thủ đô Vientiane đã diễn ra Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy lần thứ 8 (AMMD 8). Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung ASEAN sẽ được Lào trình bày tại Phiên họp cấp cao Hội nghị Ủy ban Kiểm soát ma túy Liên hợp quốc lần thứ 67 (CND 67) vào năm 2024.

Tham dự Hội nghị có Đại tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Công an Lào Vilay Lakhamphong; các bộ trưởng, trưởng đoàn 10 nước ASEAN; Ban Thư ký ASEAN cùng các quan chức cấp cao về phòng chống ma túy của ASEAN và phái đoàn Timor Leste với tư cách là nước quan sát viên.

Đoàn Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn.

Trên tinh thần đoàn kết, thân ái truyền thống của ASEAN, hướng tới mục tiêu “Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng", Hội nghị đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc tăng cường vai trò điều phối chiến lược ASEAN chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả của AMMD với mục tiêu hiện thực hóa một ASEAN không ma túy trên cơ sở tôn trọng pháp luật và quyền con người, đồng thời duy trì sự tôn trọng đầy đủ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia thành viên ASEAN.

Hội nghị cũng ghi nhận những nỗ lực chung của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc thúc đẩy đối thoại và tạo điều kiện chia sẻ thông tin về tình hình buôn bán ma túy trái phép trong khu vực thông qua khuôn khổ AMMD và các cơ chế phụ trợ khác.

Bên cạnh đó, hội nghị bày tỏ quan ngại về những hậu quả nghiêm trọng gây ra do vấn đề ma túy đối với sức khỏe, an ninh, an toàn của người dân trong khu vực…; ghi nhận các chiến dịch phòng chống ma túy cấp quốc gia do các nước thành viên ASEAN thực hiện trên các lĩnh vực giáo dục phòng ngừa, thực thi pháp luật, phát triển thay thế, nghiên cứu, điều trị và phục hồi trên cơ sở Kế hoạch hành động ASEAN bảo vệ cộng đồng chống ma túy trái phép 2016-2025; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết và giảm thiểu tác động của những thách thức mới nổi phát sinh từ tình hình mua bán, vận chuyển ma túy trái phép hiện nay trong khu vực và tái khẳng định sự cần thiết phải thực hiện các giải pháp phòng, chống ma túy cụ thể và dựa trên cơ sở khoa học…

Hội nghị còn tái khẳng định lập trường kiên quyết của ASEAN chống việc hợp pháp hóa và sản xuất các loại ma túy trái phép không vì mục đích y tế hay khoa học hoặc các biện pháp làm suy yếu sự kiểm soát quốc tế đối với bất kỳ loại thuốc gây nghiện và chất hướng thần nào mà không có bằng chứng khoa học liên quan, có thể kiểm chứng và đáng tin cậy. Ngoài ra, hội nghị kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên ASEAN duy trì sự thống nhất và đoàn kết của khối trong việc tham gia tại Ủy ban Liên hợp quốc về Ma túy (CND) và các cuộc họp liên quan…

Phát biểu tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh thị trường ma túy ngày càng liên kết chặt chẽ và đa dạng hóa hoạt động sản xuất, mua bán trái phép các chất ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp…

ASEAN kien quyet chong hop phap hoa va san xuat ma tuy trai phep hinh anh 2Quang cảnh Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về các vấn đề ma túy lần thứ 8. (Ảnh: Phạm Kiên/ TTXVN)

Để thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hợp tác trong đấu tranh phòng chống ma túy và đạt được các mục tiêu, yêu cầu mà ASEAN đã đề ra, trong thời gian tới ASEAN nên tập trung vào 4 giải pháp.

Theo đó ở cấp khu vực, các quốc gia thành viên ASEAN cần tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác hiện có như Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy, Trung tâm thông tin hợp tác phòng, chống ma túy và Mạng lưới giám sát ma túy ASEAN…;

Tiếp tục tăng cường phối hợp hoạt động tác chiến xuyên quốc gia; Triển khai các giải pháp phòng chống, chống thất thoát tiền chất, triệt phá các cơ sở sản xuất ma túy; Tăng cường kiểm soát ma túy tại các tuyến trọng điểm; Hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật; Tăng cường và mở rộng hoạt động của Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO).

Ở cấp độ quốc gia, các bên cần chủ động nâng cao chất lượng trao đổi thông tin qua cơ quan đầu mối; Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống ma túy; Triển khai các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới; Tiến hành điều tra chung đối với các vụ án liên quan tới tội phạm ma túy xuyên quốc gia.

Các nước ASEAN cũng cần tăng cường hợp tác với các nước đối tác, đối thoại của ASEAN trong việc nâng cao năng lực cho lực lượng hành pháp và hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác phòng chống ma túy…

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc cho biết Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ và chia sẻ trách nhiệm chung với các nước thành viên ASEAN trong phòng, chống ma túy và mong muốn các nước, các tổ chức quốc tế tiếp tục dành sự quan tâm hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công công tác này, góp phần xây dựng một khu vực phát triển thịnh vượng, hướng đến một ASEAN không ma túy.

Kết thúc Hội nghị AMMD 8 đã diễn ra cuộc họp báo về kết quả của sự kiện này. Theo kế hoạch, hội nghị AMMD lần thứ 9 sẽ diễn tại Philippines vào năm 2025./.

Phạm Kiên-Bá Thành (TTXVN/Vietnam+)

Phạm Kiên-Bá Thành (TTXVN/Vietnam+)