Đời sống

Sự cho đi phải đến từ cái tâm 

Nguyễn Lương 11/08/2023 09:14

Tặng quà là nghĩa cử cao đẹp, nhằm sẻ chia khó khăn, thiếu thốn với người nghèo. Do đó, những món quà đưa đến cho người dân cần thực chất, sát với nhu cầu của họ, tránh hình thức.

Đâu đó vẫn hình thức

Xã hội hiện nay vẫn còn nhiều người nghèo. Cuộc sống của họ còn khó khăn, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm. Thấu hiểu được điều này, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cả nước nói chung, tại Đắk Nông nói riêng luôn quan tâm, động viên cùng những hoàn cảnh ấy.

Trải qua nhiều thế hệ, việc tặng quà đã trở thành hoạt động đẹp, không thể thiếu trong xã hội. Từ hỗ trợ tài chính đến nhu yếu phẩm cần thiết được các tổ chức chung tay hỗ trợ cho người nghèo. Đây là nguồn động lực để tiếp thêm sức mạnh, ý chí vươn lên đối với họ trong cuộc sống.

c7a2.jpg
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp chú trọng tặng tiền cho người nghèo để thiết thực, ý nghĩa hơn

Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là việc trao tặng quà ở một số nơi còn mang tính hình thức. Thậm chí, nhiều trường hợp còn phản tác dụng. Một số đơn vị, tổ chức cứ lên lịch tặng quà, rồi mua đại vật phẩm gì đó tặng cho người dân là xong. Điều này đã làm mất đi ý nghĩa của việc tặng quà.

Chị Lê Thị Thu Trang, một đoàn viên tham gia công tác đoàn tại huyện Đắk Glong chia sẻ: “Hiện nay, việc tặng quà diễn ra nhiều. Hầu như các dịp lễ, tết,nhiều  đơn vị, doanh nghiệp đều tổ chức tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách. Tuy nhiên, có những đợt tặng quà lại thiếu đi tiếng cười của người nhận”.

Theo chị Trang, chị là một trong những đoàn viên tham gia phối hợp khá nhiều với các đơn vị, tổ chức đi tặng quà tại địa phương. Có những hôm, người dân nghèo lên đợi cả buổi để được nhận phần quà ý nghĩa. Vậy nhưng, những món quà họ được nhận chỉ là những vật dụng thông thường, ít thông dụng, ít sử dụng.

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Thạnh, làm công tác xã hội tại xã Quảng Khê (Đắk Glong) cho rằng, có những phần quà, người nghèo nhận về cả năm không dùng đến. Hoặc nhiều phần quà tặng người dân không biết sử dụng vào cái gì.

“Nhiều lần như thế khiến người dân không còn mặn mà. Bà con nghèo không phải chê quà, nhưng thực sự nó không cần thiết. Có thời điểm, địa phương thông báo danh sách, lịch đi nhận quà, nhiều bà con vắng mặt”, ông Thạnh cho biết.

Tặng quà sao cho thiết thực?

Theo nhiều cơ quan, doanh nghiệp, người dân khi được hỏi về ý nghĩa tặng quà đều thống nhất là nên tặng những gì cần thiết. Bởi vì, suy cho cùng, bất cứ quà tặng gì đều phải mua bằng tài chính. Vấn đề là sử dụng nguồn tài chính ấy sao cho thiết thực, ý nghĩa nhất.

Từ quan điểm này, những năm gần đây, phương thức tặng quà bằng tiền mặt, hỗ trợ sinh kế được nhiều doanh nghiệp, tổ chức quan tâm.

img_9110.cr2(1).jpg
Lãnh đạo xã Đắk R'moan (Gia Nghĩa) trao quà trung Thu bằng tiền cho học sinh nghèo vượt khó. Đây là cách tặng quà ý nghĩa, thiết thực nhất

Theo anh N.V.T, đại diện một doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trên địa bàn TP. Gia Nghĩa, tặng quà bằng tiền mặt cho người nghèo là phương án được công ty anh và nhiều doanh nghiệp lựa chọn.

Bởi vì, bản thân doanh nghiệp thường rất ít thời gian lựa chọn quà. Họ cũng không biết món quà mình chọn liệu có thiết thực, ý nghĩa với người dân hay không.

“Số tiền trao tặng có thể không nhiều, nhưng các đơn vị thiện nguyện vẫn có gắng trao tặng đến tay cho người nghèo. Khi được tặng tiền, người nghèo có thể tự mua sắm những vật dụng cần thiết trong gia đình. Đồng tiền đó có thể giúp họ chủ động dùng vào các khoản chi tiêu cần thiết”, anh T chia sẻ.

Bên cạnh hỗ trợ tiền mặt, nhiều doanh nghiệp hiện nay đồng hành khá thiết thực với người dân. Họ tặng người nghèo từ con bò giống, heo giống đến cây trồng và cùng đồng hành với bà con trong quá trình phát triển.

“Không cần phải phô trương, rầm rộ. Cứ tìm hiểu kỹ, rồi quyết định trao “cần câu cơm” đúng nghĩa cho người nghèo. Tất cả quà tặng đều quy từ tiền mà ra. Làm sao để đồng tiền, món quà đó phát huy tác dụng, tạo thêm sinh kế cho người nghèo mới là điều mà các mạnh thường quân phải suy nghĩ”, ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Doanh nghiệp Tâm An (Đắk R’lấp) chia sẻ.

Đặt mình vào tâm thế người nhận

Truyền thống tương thân, tương ái của người Việt là một nét đẹp văn hóa cần gìn giữ. Hoạt động tặng quà cho người nghèo vào các dịp lễ, tết không chỉ là hỗ trợ người khó khăn về mặt vật chất, mà còn khẳng định văn hóa “lá lành đùm lá rách” tốt đẹp từ bao thế hệ. Vấn đề tặng quà làm sao cho có ý nghĩa, thiết thực cần phải được quan tâm nhiều hơn.

img_0058(1).jpg
Cục Thuế tỉnh trao nhà tình thương cho hộ gia đình nghèo xã Buôn Choáh (Krông Nô)

Bà Lê Thị Việt Phương, Giám đốc Công ty Hương Việt (TP. Hồ Chí Minh), một đơn vị thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện chia sẻ rằng: “Sự cho đi phải đến từ cái tâm. Trước khi tổ chức trao quà, ít nhất doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị phải biết rõ danh sách, điều kiện của người dân, đặc thù địa bàn đó như thế nào. Từ đó, chúng ta chọn quà tặng đúng nghĩa”.

Theo bà Phương, không có một chuẩn chung nào cho đơn vị tặng quà, cũng như người nhận. Vậy cho nên hiện nay, có nhiều đơn vị trích quỹ mua một loạt quà tặng.

Quà tặng được các đơn vị trao một loạt cho người nghèo ở các địa phương khác nhau. Trong khi, mỗi địa bàn, mỗi người dân sẽ có những nhu cầu khác nhau.

“Chúng ta nên tìm hiểu kỹ càng để những món quà đến với người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thực sự phát huy tác dụng”, bà Phương chia sẻ thêm.

img_0153(1).jpg
Ngân hàng Bản Việt Chi nhánh Đắk Nông tặng máy tính cho Trường tiểu học tại xã Đắk Ha

Ngoài cái tâm của doanh nghiệp, tổ chức, về phía các địa phương cần có sự phối hợp, tham mưu, tư vấn để các hoạt động tặng quà thêm ý nghĩa.

Theo ông Nguyễn Mạnh Trường, công tác hoạt động xã hội TP. Gia Nghĩa cho hay, các địa phương lập danh sách chính xác các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ.

Giữa địa phương, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức cần bàn bạc, thống nhất trước với nhau nên tặng quà gì thiết thực với người dân nhất. Tránh tình trạng đến ngày tặng quà cứ tham dự cho có.

“Có những địa bàn, người dân còn rất nghèo. Sự sẻ chia của các tổ chức, cơ quan, đơn vị là nguồn động lực lớn. Các món quà, vật phẩm không cần lớn lao, nhưng nhất thiết phải thiết thực và gắn kết với nhu cầu của bà con”, ông Trường chia sẻ.

Tặng quà vào các dịp lễ, Tết là một nét văn hóa truyền thống cần gìn giữ. Đây là hoạt động vừa thể hiện trách nhiệm của cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức với xã hội. Việc tặng quà là tinh thần tương thân, tương ái, tạo nguồn động lực để người nghèo, người có hoàn cảnh có khăn vươn lên trong cuộc sống.

Do vậy, tặng quà cần sự thật tâm, cần đặt mình vào tâm thế người nhận để biết họ cần gì và mong muốn điều gì. Tránh vì cái “mác” của doanh nghiệp, tổ chức mà vô tình biến việc tặng quà mất đi ý nghĩa.

Nguyễn Lương