Trường hợp nào không cần hình thành gói thầu?
Chính sách - Ngày đăng : 08:14, 11/08/2023
Theo ông Lê Thọ Thắng tham khảo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP thì chủ đầu tư được thuê tổ chức có đủ điều kiện năng lực để tham gia quản lý dự án.
Căn cứ Điểm b Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT quy định phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm hoạt động của ban quản lý dự án.
Tại Điểm a Khoản 7 Điều 9 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP và Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP thì thành phần hồ sơ thanh toán chi phí quản lý dự án không yêu cầu có kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu quản lý dự án.
Theo nội dung quyết định phê duyệt dự án của người quyết định đầu tư thì chủ đầu tư trực tiếp quản lý và điều hành dự án. Trong quá trình quản lý dự án, chủ đầu tư thực hiện thuê tư vấn để quản lý một phần công việc của dự án.
Ông Thắng hỏi, có cần lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn quản lý dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt không?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Theo Điểm b Khoản 2 Điều 36 Luật Đấu thầu quy định trong văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, phần công việc không áp dụng được một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm hoạt động của ban quản lý dự án, tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng, khởi công, khánh thành, trả lãi vay và các công việc khác không áp dụng được các hình thức lựa chọn nhà thầu.
Theo đó, trường hợp chủ đầu tư trực tiếp quản lý và điều hành dự án thì không cần hình thành gói thầu để tổ chức lựa chọn nhà thầu.
Trường hợp chủ đầu tư thực hiện thuê tư vấn để quản lý công việc của dự án thì việc thuê đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn này phải thực hiện theo một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu quy định tại Luật Đấu thầu.
Chinhphu.vn