Chuyển đổi số là phong trào thi đua sâu rộng ở Lâm Đồng

Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 08:32, 11/08/2023

“Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025” đã được UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức thành phong trào thi đua sâu rộng và hiệu quả. Mặc dù là địa phương miền núi nhưng chỉ số sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã đạt 67% (trung bình toàn quốc đạt 62,3%). Mới đây, Văn phòng Chính phủ đánh giá tỉnh Lâm Đồng đứng vị trí 12/63 tỉnh, thành.

Chuyển đổi số đồng bộ và toàn diện

Ngoài sự nhận thức còn là triển khai đồng bộ về thể chế, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin, chính quyền số.

Năm 2023, tỉnh Lâm Đồng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn. Đó là, Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố; Khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Thực hiện chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đó còn là các Chiến lược chuyển đổi số trên những lĩnh vực như: báo chí, thông tin cơ sở, nông nghiệp, đô thị…

Tỉnh Lâm Đồng hiện tỷ lệ 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ. 100%  các sở, ban, ngành, huyện, thành phố đã thực hiện chuyển giao tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. 100% xã, phường, thị trấn đã phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 3G, 4G (độ phủ đạt 100% khu dân cư). Tỉnh đã triển khai thí điểm 06 điểm phát sóng 5G.

Lâm Đồng đã hình thành nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu tỉnh. Theo đó, hoàn thành kết nối 15/23 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin với Trục kết nối nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Lắp đặt camera an ninh phục vụ Trung tâm IOC tại Bảo Lộc

Các nền tảng số đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng như: địa chỉ số; bản đồ số (cơ sở dữ liệu đất đai); tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP); họp trực tuyến thế hệ mới cho cơ quan nhà nước; dạy học trực tuyến; hóa đơn điện tử (ngành thuế); truy xuất nguồn gốc nông sản; quản lý tiêm chủng; hồ sơ sức khỏe điện tử; trạm y tế xã, …Đó còn là nền tảng số quốc gia do doanh nghiệp làm chủ quản, làm chủ công nghệ lõi, cung cấp dịch vụ phục vụ nhu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội như: họp trực tuyến; sàn thương mại điện tử; trung tâm giám sát điều hành thông minh (IOC); trung tâm giám sát điều hành an toàn thông tin mạng (SOC).

Trên địa bàn Lâm Đồng hiện đã triển khai thí điểm ứng dụng Công dân số. Hiện tại, đã có 19.580 lượt tải (trong đó, Android có 12.393 lượt, IOS có 7.187 lượt) và 422 tài khoản đăng ký trên ứng dụng.

Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng đang tiếp tục hướng dẫn các đơn vị triển khai, kiện toàn Tổ Công nghệ số cộng đồng tại các địa phương. Đã thành lập 142/142 tổ ở cấp xã; 11/12 huyện đã kiện toàn với khoảng 11.000 thành viên tổ công nghệ số cộng đồng.

Hình thành những trung tâm điều hành thông minh 

Tỉnh Lâm Đồng đã có 02 thành phố (Đà Lạt, Bảo Lộc), 02 huyện (Lạc Dương, Đạ Tẻh) và Sở Giáo dục và Đào tạo hình thành trung tâm điều hành thông minh (IOC). Đến tháng 9/2023, Lâm Đồng phấn đấu thành lập IOC tại 08 huyện còn lại và Văn phòng UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế. Một số đơn vị trong tỉnh đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp triển khai ký kết hợp tác về chuyển đối số.  

Trung tâm điều hành thông minh thành phố Đà Lạt 

Đối với chính quyền số, Lâm Đồng hiện đã đạt 100% cơ quan Đảng, đơn vị sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã kết nối mạng LAN và Internet tốc độ cao. Mạng truyền số liệu chuyên dùng dành riêng cho các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã kết nối cho 100% các sở ngành tỉnh, UBND cấp huyện. 100% Đảng ủy cấp xã được đấu nối lên huyện và kết nối vào mạng diện rộng của Đảng bằng đường truyền Mega, WAN, VPN. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh đã được xây dựng và hoạt động ổn định tại địa chỉ http://lgsp.lamdong.gov.vn/login. Tỉnh đã hoàn thành kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, khai thác 15/23 cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia. Lâm Đồng cũng đã phối hợp cơ quan chuyên môn Bộ Công an hoàn thành đánh giá an toàn an ninh thông tin đảm bảo kết nối Cơ sở dữ liệu dân cư với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh và Cổng dịch vụ công của tỉnh…

Công khai thông tin trên các nền tảng công nghệ số 

Tỉnh đã triển khai thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu công chức, viên với cơ sở dữ liệu quốc gia đạt 100% với  29.807/29.807 hồ sơ. Hiện nay, Lâm Đồng đã phê duyệt bản đồ quy hoạch sử dụng đất các huyện thành phố giai đoạn 2021 – 2030 ở 02 huyện (Lâm Hà, Cát Tiên), các huyện còn lại đang thẩm định và phê duyệt. Dữ liệu đất đai đã số hóa tại thành phố Đà Lạt, 02 huyện (Đức Trọng, Di Linh) và đang chỉnh sửa để hoàn thiện tại 02 huyện Bảo Lâm, Lạc Dương và thành phố Bảo Lộc.

Lâm Đồng cũng đã triển khai nền tảng ứng dụng GIS trong quản lý phát triển đô thị, công khai thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên cổng bằng số hóa (địa chỉ https://quyhoachsoxaydung.lamdongtructuyen.vn/). Hiện đã cập nhật quy hoạch của đô thị Đạ Huoai, cập nhật 02 đồ án được phê duyệt lên cổng thông tin quy hoạch của Bộ Xây dựng (gồm Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Dran, huyện Đơn Dương và quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu du lịch quốc gia Đankia- Suối Vàng).

Công nghệ số đã phục vụ đắc lực trong ngành Giáo dục Lâm Đồng 

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Lâm Đồng (https://dichvucong.lamdong.gov.vn) được xây dựng thống nhất, liên thông 4 cấp từ cấp xã lên cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương. Hoàn thành việc kết nối, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. Cung cấp tổng số 1.756 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, có 681 dịch vụ công trực tuyến một phần (mức 3 cũ) chiếm 38%; 486 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức 4 cũ) chiếm 27,53%. Tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 68,45% (đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023). Tính từ ngày 01/01/2023 đến 07/7/2023, hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC), tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến tỉnh Lâm Đồng đã đạt 52% (năm 2022 đạt 2,94%)…

Tiếp tục rà soát và tổ chức thực hiện nghiêm túc 

Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung chỉ đạo tại Thông báo kết luận số 27/TB-UBND ngày 06/02/2023 của UBND tỉnh, các kế hoạch và các văn bản chỉ đạo có liên quan về công tác chuyển đổi số. Đồng thời, phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của tổ công nghệ số cộng đồng; tổ chức đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao. 

Lâm Đồng phấn đấu đến năm 2025 có 50% nông dân được tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số

Được biết, Lâm Đồng đã xây dựng chuyên trang Chuyển đổi số tỉnh Lâm Đồng tại địa chỉ http://chuyendoiso.lamdong.gov.vn, OA Zalo Chuyển đổi số. Số liệu mới nhất từ Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, địa phương đã đăng tải 276 tin bài về chuyển đổi số, số lượt truy cập 8.031 lượt. Ông Huỳnh Minh Hải – Giám đốc Sở này cũng cho biết: “Các địa phương trên phạm vi toàn tỉnh đồng loạt tổ chức chiến dịch phát động thi đua trong phát triển Kinh tế số và xã hội số tại địa phương mình”.

Góp ý Dự thảo “Quyết định Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” cho Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng Huỳnh Minh Hải cho rằng: Đến năm 2025, mục tiêu đạt được 85% hộ gia đình có kết nối cáp quang với tốc độ trung bình 150 Mb/s và 99% dân số được phủ sóng di động tốc độ trung bình 70 Mbps.  Đến năm 2030, đạt 100% hộ gia đình có truy nhập băng rộng với tốc độ trên 1Gb/s.

pv