ECOWAS đặt lực lượng dự phòng trong trạng thái sẵn sàng can thiệp Nige
Dòng chảy thông tin - Ngày đăng : 06:40, 11/08/2023
Toàn cảnh cuộc họp của Ủy ban các Tư lệnh quốc phòng Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) về tình hình Niger ở Abuja, Nigeria ngày 2/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn báo Vanguard của Nigeria cho biết Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã đặt lực lượng dự phòng của mình trong trạng thái sẵn sàng can thiệp để khôi phục trật tự hiến pháp tại Cộng hòa Niger.
Chủ tịch Ủy ban ECOWAS Omar Alieu Touray đã đọc nghị quyết về cuộc đảo chính ở Niger tại cuộc họp bất thường ngày 10/8 của ECOWAS ở Abuja, trong đó có chỉ đạo: “Tổng Tham mưu trưởng Quốc phòng kích hoạt ngay lập tức tất cả các bộ phận trong lực lượng dự phòng ECOWAS,” tuy nhiên cũng đồng thời nhấn mạnh “tiếp tục cam kết khôi phục trật tự hiến pháp thông qua các biện pháp hòa bình.”
Trước đó trong diễn văn khai mạc hội nghị, Tổng thống Nigeria và Chủ tịch ECOWAS Bola Tinubu cũng khẳng định lãnh đạo các quốc gia Tây Phi cần thử mọi biện pháp ngoại giao để đảm bảo lập lại trật tự hiến pháp ở Niger, coi đây là đường hướng và cách tiếp cận cơ bản của ECOWAS.
Cuộc họp trên diễn ra sau khi thời hạn của tối hậu thư do ECOWAS đưa ra đối với chính quyền quân sự ở Niger đã trôi qua.
Trong tối hậu thư này, lãnh đạo các nước thành viên ECOWAS cảnh báo sẽ có biện pháp can thiệp quân sự nếu các tướng lĩnh tiến hành vụ đảo chính không khôi phục quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum trước ngày 6/8.
Cho đến nay, giới lãnh đạo đảo chính ở Niger chưa sẵn sàng tham gia vào các cuộc đàm phán do cộng đồng quốc tế thúc đẩy.
Cuộc đảo chính hôm 26/7 ở Niger làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đẩy khu vực Tây Phi vào vòng xoáy bất ổn.
Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ ngày 10/8 thông báo bắt đầu rút nhân viên khỏi văn phòng điều phối ở Niger.
Theo thông báo, 3 nhân viên cùng 1 người khác đã rời quốc gia châu Phi nêu trên. Nguyên nhân được đưa ra là do tình hình an ninh ngày càng có nhiều nguy cơ bất ổn.
Thông báo cho biết: “Những diễn biến thời gian qua ở Niger dẫn tới quyết định rút các nhân viên của Thụy Sĩ về nước.”
Như vậy, tính tới ngày 10/8, 19 công dân Thụy Sĩ đã rời Niger. Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết đang nỗ lực liên hệ với những công dân còn ở quốc gia châu Phi này.
Hiện không phải công dân Thụy Sĩ nào cũng muốn rời Niger.
Vùng Sahel thuộc Tây Phi là một trong những khu vực nghèo nhất trên thế giới và phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố kéo dài.
Do đó, khu vực này có nguy cơ rơi vào bất ổn hơn nữa nếu cuộc khủng hoảng tại Niger trở nên trầm trọng hơn./.