Giá thấp và ế ẩm, liệu có diễn ra cuộc tháo chạy ồ ạt khỏi chanh dây ở Đắk Lắk?
Tin Tây Nguyên - Ngày đăng : 14:10, 10/08/2023
Giá chanh dây ở Đắk Lắk chưa bao giờ lại rẻ mạt và ế ẩm như hiện nay. |
Chanh dây rẻ như cho vừa khó bán
Chị Hà Thị Đẹp ở xã Ea Yông huyện Krông Pắk có 4 sào chanh dây đang vụ thu hoạch cho biết, chanh dây bây giờ vừa giá rẻ như cho vừa khó bán. Ea Yông là nơi tập trung nhiều cơ sở thu mua trái cây, nhưng không còn điểm nào quan tâm đến chanh dây. Để bán được, gia đình phải vận chuyển xa hơn 15 km, tiền bán chanh không đủ trả công thuê hái và vận chuyển, nên suốt nhiều ngày nay gia đình chị bỏ vườn, không thu hoạch.
“Hiện giá chanh xô chỉ từ 2.000 – 3.000 đồng/kg, còn chanh đẹp cũng cao nhất 5.000 – 6.000 đồng/kg nhưng mấy ngày nay giá không ổn định. Với mức giá này người trồng thua lỗ nhiều, không đủ công trong khi để có chanh phải đầu tư chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…”, chị Đẹp lo lắng.
Chị Triểu Thị Hiền cũng ở xã Ea Yông huyện Krông Pắk gắn bó với cây chanh dây từ nhiều năm trước. Chị chia sẻ, vụ năm nay gia đình trồng 8 sào và đang bước vào chín rộ, nếu thu hái trung bình mỗi ngày được hơn 1 tấn quả. Tuy nhiên do không có đầu ra nên gia đình đành bỏ mặc chanh chín ngoài vườn.
“Gia đình đã đầu tư gần 20 triệu đồng cho vụ chanh dây này, nhưng giờ thu hoạch trừ công cán chỉ còn lại vài triệu. Điều đáng buồn là ở khu vực Ea Yông này không có người thu mua, nếu có mua giá rẻ mấy cũng cố thu để bán gỡ gạc. Giờ muốn bán được chanh người dân phải chở đến Km 38 mới có người mua”, chị Hiền chán nản.
Chanh dây dồn ứ tại các cơ sở thu mua do không xuất khẩu được. |
Tại tỉnh Đắk Lắk, chanh dây được trồng chủ yếu ở các huyện Krông Búk, Krông Pắk, thị xã Buôn Hồ và Cư M’gar… Theo các cơ sở thu mua, vụ chanh 2023 này, Đắk Lắk có mưa lớn kéo dài khiến chanh dây bị nấm bệnh, ảnh hưởng tới chất lượng quả, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn. Vì không thể xuất khẩu, chanh dây được sơ chế tại chỗ rồi xuất bán ra thị trường trong nước, dẫn tới mặt hàng này ế ẩm, xuống giá.
Bà Lại Thị Tuyết, một chủ vựa thu mua chanh dây với thâm niên hơn 10 năm ở xã Cư Kbô, huyện Krông Búk cho biết, mỗi ngày vựa nhập khoảng 60 – 70 tấn chanh dây, 1 phần xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, phần còn lại sơ chế. “Hiện xuất chanh đi Trung Quốc đang gặp khó khăn. Nhiều người muốn mua chanh cấp cho nhà máy ở Gia Lai nhưng hiện nhà máy đang quá tải, không nhập được số lượng lớn. Với giá thu mua từ 1.000 – 2.000 đồng/kg chanh xô, bà con không đủ đầu tư, nhiều người chán nản phá không trồng nữa, chưa biết niên vụ tới sẽ như thế nào”, bà Tuyết lý giải.
Cuộc tháo chạy khỏi chanh dây
Cách đây hơn 2 năm, nhận thấy chanh dây là loại cây có giá trị kinh tế cao, nhiều nông dân ở tỉnh Đắk Lắk đã lựa chọn đầu tư. Tuy nhiên, khi chưa thu lại được giá trị kinh tế tương xứng với công sức, tiền của bỏ ra thì nhiều bà con đã ôm "trái đắng".
Bà Lê Thị Phước (xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) tâm sự: "Gia đình tôi có tổng cộng 200 gốc chanh dây. Mùa vụ này, tôi bỏ vốn 30 triệu đồng gieo giống, chăm bón mất rất nhiều thời gian. Dự kiến năm nay, phần diện tích trồng chanh dây sẽ cho sản lượng đến 2 tấn quả. Tuy nhiên, với giá chanh dây hiện tại chỉ mức khoảng 5.000 đồng/kg khiến gia đình tôi thiệt hại nặng, không biết phải làm thế nào để bù đắp".
Còn theo chị Lâm Thị Bảo Hà (huyện Cư Kuin): Gia đình trồng tổng cộng 400 gốc chanh leo với tổng mức đầu tư 60 triệu đồng chưa kể công chăm sóc. Tuy nhiên, với giá chanh 5.000 đồng/kg như hiện nay thì chỉ có thua lỗ nặng. Ngoài ra, bệnh tật trên cây là đều đáng lo ngại nhất lúc này, chỉ sợ đến mùa thu hoạch cây bệnh, trái không đạt chất lượng, thương lái khó thu mua, coi như mất trắng.
Được biết, những năm gần đây, giá chanh dây đạt mức cao, khoảng từ 15.000 đến hơn 20.000/kg, mang lại hiệu quả kinh tế nên nhiều bà con nông dân ở huyện Cư Kuin đã rủ nhau trồng loại nông sản này. Tuy nhiên, năm nay, lúc mất giá, nhiều nơi còn xuất hiện dấu hiệu của bệnh tật, quắn lá.
Dịch bệnh và giá giảm, nhiều nông dân ở Đăk Lăk trắng tay vụ chanh dây năm nay. |
Đắk Lắk có hơn 2.100ha chanh dây. Đa phần diện tích chanh dây tại đây cũng như vùng Tây Nguyên vẫn ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy mô lớn và tạo thành chuỗi sản xuất bền vững. Theo ngành chức năng, tuy Tây Nguyên có nhiều vùng thích hợp để phát triển chanh dây nhưng người nông dân không nên trồng ồ ạt mà phải lựa chọn giống phù hợp, chú trọng quy trình chăm sóc, liên kết và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Minh - Trưởng trạm khuyến nông huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk - chia sẻ: "Để sản xuất bất kỳ loại cây trồng nào hiệu quả, bà con phải chú trọng kỹ thuật từ chăm sóc, thu hái để chanh leo có sản lượng, hiệu quả cao nhất.
Thực tế, khó biết được khi nào giá chanh dây lên hoặc xuống, tùy thuộc vào tình hình sản xuất, sản lượng cung ứng cũng như nhu cầu thị trường... Muốn phát triển chanh dây trước hết phải có đất phù hợp để canh tác".
Theo ông Minh: Tâm lý của người dân thường thấy loại nông sản nào có giá trị thì thường loại bỏ bớt những loại cây cũ, thay mới. Kỹ thuật trồng loại cây này cũng không phải đơn giản, phải nắm vững kỹ thuật thì mới thành công. Nếu người dân tự làm, nghe người khác rủ rê cùng làm trong khi chất lượng không đảm bảo thì rất dễ bị thất bại.
Trước tình trạng giá chanh dây xuống thấp, nhiều nông dân ở Đắk Lắk lại phá chanh dây để trồng cà phê, khiến nhu cầu cây giống cà phê tăng cao. Điều này rất có thể sẽ khiến thị trường chanh dây có thể bị thiếu hàng trong những năm tới./.